Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng

(VOH) - Học sinh khối 7, 8, 10, 11 ở TP.HCM đi học trở lại nhưng trường chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh than họ 'không làm được việc gì' và 'cứ loạn cả lên' vì phải đưa đón con.

CẬP NHẬT TẠI TPHCM

Chủ tịch TPHCM chia sẻ về quyết định cho hoạt động lại bar, karaoke, massage dịp giáp Tết

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc mở lại bar, karaoke, massage, vũ trường nằm trong tiến trình từng bước tiến tới bình thường hóa của địa bàn. TPHCM sẽ giám sát diễn biến dịch Covid-19 hàng ngày. Trước đó, có ý kiến cho rằng, việc mở lại các hoạt động, dịch vụ "nhạy cảm" vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, cộng với sự đe dọa của biến chủng Omicron, sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.

Mặt khác, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, với việc tạm dừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19, TPHCM sẽ phản ứng ra sao trước tình huống cấp bách về dịch bệnh. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định, việc ngừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 chỉ là kiện toàn, sắp xếp lại công việc của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố. Các Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch cấp cơ sở vẫn hoạt động bình thường và thành phố vẫn có bộ phận thường trực phụ trách các phần việc như trước đây.

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 1

Các hệ thống karaoke tại TPHCM phải đóng cửa thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: Dantri).

TP.HCM: Bệnh viện dã chiến số 14 chuyển thành bệnh viện 3 tầng

UBND TP.HCM vừa có quyết định tổ chức lại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 14 thành Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 trực thuộc Sở Y tế từ ngày 15-12-2021. Trụ sở đặt tại số 02 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 có quy mô 1.600 giường bệnh, trong đó 600 giường hồi sức tích cực, 1.000 giường thu dung, điều trị người bệnh không có triệu chứng và mức độ nhẹ, vừa, nặng với 1.350 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ.

Cũng theo quyết định này, bệnh viện được xếp hạng 1 theo hạng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và sử dụng danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bệnh viện có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và người bệnh mức độ nhẹ, vừa, nặng, nguy kịch.

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 2

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 hồi tháng 8-2021 - Ảnh: TTO

TP.HCM: Thêm lực lượng trẻ tham gia hỗ trợ y tế cơ sở

Sắp tới tại TP.HCM sẽ có 3 lực lượng thường trực tham gia hỗ trợ tại mạng lưới y tế cơ sở là sinh viên y đa khoa năm 5, năm 6, các bác sĩ chương trình thực hành 18 tháng của Sở Y tế và các giảng viên khoa y tế công cộng.

Ngày 5-1, hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết mỗi năm sẽ có hơn 1.600 sinh viên y đa khoa năm 5 và năm 6 của trường chia thành nhiều đợt (100 - 120 sinh viên/đợt) luân phiên thực tập tại mạng lưới y tế cơ sở (trung tâm y tế, trạm y tế của TP).

Trong thời gian thực tập, đội ngũ này sẽ hỗ trợ trạm y tế như lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ tiêm chủng vắc xin, tham gia hỗ trợ tại khu cách ly, điều trị F0, tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa bàn như phòng chống sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh đái tháo đường, chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà,…

TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng

Học sinh khối 7, 8, 10, 11 ở TP.HCM đi học trở lại nhưng trường chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh than họ 'không làm được việc gì' và 'cứ loạn cả lên' vì phải đưa đón con.

Về mong muốn mở lại bán trú của nhiều phụ huynh trong thời điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết về mặt dịch tễ học thì vẫn có thể sắp xếp, tổ chức được. Nhưng hiện tại, ngoài những phụ huynh mong muốn mở lại bán trú, còn nhiều phụ huynh vẫn đang lo lắng việc tổ chức bán trú trong trường học sẽ ảnh hưởng đến phòng chống dịch bệnh. Nên việc tổ chức bán trú ở trường phải từ từ thăm dò mới nên thực hiện.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc các trường có tổ chức bán trú và dạy học trực tiếp như thế nào do ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của các quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, thẩm định và cho phép. 

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 3

Học sinh lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trở lại trường trong buổi học đầu tiên sau thời gian dài giãn cách, sáng 4-1 - Ảnh: TTO

THÔNG TIN TẠI CÁC TỈNH, THÀNH KHÁC VÀ TRÊN CẢ NƯỚC:

Chiều hôm nay 6/1: Việt Nam đã tiếp nhận hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Đến nay, Việt Nam đã đã tiếp nhận hơn 206 triệu liều vaccine phòng COVID-19; hiện đã tiêm gần 157 triệu liều; 57 tỉnh, thành phố tiêm vaccine mũi 3 cho người đủ điều kiện tiêm theo hướng dẫn, với hơn 6,1 triệu liều... Trong đó ngày 5/1, cả nước tiêm được hơn 1,7 triệu liều, cao hơn nhiều so với các ngày trước đó. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 91,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 13.186.888 liều, trong đó có 7.811.007 mũi 1 và 5.375.881 mũi 2. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Lãnh đạo các tỉnh thành cũng yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi vaccine bổ sung (mũi 3) đối với toàn bộ những người đã tiêm vaccine mũi 2.

Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir

Chiều qua 5-1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đã họp, xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir (thuốc kháng virus dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa) của các cơ sở sản xuất trong nước.

Bộ Y tế cho rằng "tại phiên họp, Hội đồng đã xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng các ý kiến thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn chất lượng, bào chế, dược lý lâm sàng". Qua đó thống nhất đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị COVID-19.

Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir đã được sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát tại Việt Nam từ tháng 8-2021. Đến nay đã có 51 tỉnh thành tham gia với trên 300.000 liều thuốc đã được phân bổ. 

9 chuyến bay ghi nhận 20 ca nhập cảnh nhiễm biến thể Omicron

Theo Bộ Y tế, 20 ca nhiễm biến chủng mới Omicron là các khách nhập cảnh trên 9 chuyến bay đã ghi nhận tại Việt Nam, sau khi ghi nhận ca đầu tiên hôm 27.12.2021. Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 22 ngày 5.1 gửi UBND các tỉnh, thành về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến thể mới Omicron.

Công điện nêu rõ đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trước biến thể mới Omiron, đến nay biến thể này đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Việt Nam, ngày 27.12.2021, TP.Hà Nội đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên về từ Anh được phát hiện tại Bệnh viện T.Ư quân đội 108, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại 3 khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung, từ 9 chuyến bay về từ 5 quốc gia. Đây là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời.

Bộ Y tế nhận định thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến thể Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong bối cảnh biến thể Omicron có thể xâm nhập và lây lan nhanh, Bộ này đề nghị:

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống biến thể Omicron;

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 4

20 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron là các ca nhập cảnh. Bộ Y tế nhận định sẽ còn gia tăng

Tây Ninh: Phòng biến chủng Omicron, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính

Ngày 6.1, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết, kể từ ngày 1.1.2022 địa phương này bắt đầu siết lại các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh trước lo ngại biến chủng Omicron xâm nhập qua biên giới.

Theo đó, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam (trừ trẻ em dưới 2 tuổi). Khi nhập cảnh phải cài đặt và sử dụng PC-Covid để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).

Trường hợp người nhập cảnh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa tiêm vắc xin Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được tiêm chủng miễn phí trong thời gian thực hiện cách ly. Trường hợp không đủ điều kiện tiêm thì tiêm ngay sau khi về tại địa phương đang cư trú. Riêng đoàn khách nhập cảnh vào Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo cấp cao thì thực hiện theo đề án đón đoàn.

Quảng Trị: cập nhật quy định mới với người về từ TP.HCM và các tỉnh thành

Theo quy định mới từ ngày 5-1, Quảng Trị dừng thực hiện biện pháp giám sát y tế tại nhà 14 ngày đối với tất cả trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 và ở vùng xanh (nguy cơ thấp) từ 9 tỉnh, thành phố trở về Quảng Trị gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, An Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Thuận.

Người tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng, từ vùng xanh, vùng vàng (nguy cơ trung bình) trở về tỉnh sẽ không hạn chế đi lại, chỉ cần thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc tại cơ sở y tế gần nhất, không yêu cầu xét nghiệm. 

Người trở về từ vùng cam (nguy cơ cao) cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo. Người trở về từ vùng đỏ (nguy cơ rất cao) cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung, xét nghiệm COVID-19 trong thời gian cách ly theo quy định.

Chiềng Yên, Sơn La: Hủy quy định về quê ăn Tết trước 22 ngày

Ngay sau thông tin gây nóng dư luận về việc yêu cầu người dân về quê ăn Tết phải về trước 22 ngày, chiều 4/1, lãnh đạo xã Chiềng Yên (Sơn La) đã ban hành văn bản đính chính. Công văn đính chính cho biết do "sơ xuất" trong khâu thẩm định văn bản trước khi ký nên công văn ban hành ngày 30/12 có nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Theo công văn mới, những công dân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, chủ động thời gian và các điều kiện cần thiết để về đón Tết với điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bắc Giang khẩn trương dập dịch trường học với hơn 200 F0

Điểm dịch này bùng phát nghi nguồn lây từ một giáo viên dạy tiếng Anh là người nước ngoài. Điểm dịch được ghi nhận tại trường tiểu học Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang với ca mắc đầu tiên là học sinh được ghi nhận vào ngày 29/12/2021. Quá trình xét nghiệm sau đó phát hiện thêm nhiều F0 là học sinh và giáo viên của trường.

Để khoanh vùng dập dịch, TP Bắc Giang đã cho tất cả học sinh tạm thời nghỉ học để thực hiện truy vết, trong đó lấy mẫu liên tục 2 ngày một lần với nhóm nguy cơ cao. Cùng với đó, địa phương đã thành lập thêm ngay một khu điều trị tập trung F0 sẵn sàng tiếp nhận khi số ca mắc tăng lên.

TP Bắc Giang đặt quyết tâm trong vòng 7 ngày có thể khoanh vùng được điểm dịch này và dần cho học sinh trở lại trường.

TP Thanh Hóa vận động người xa quê không về dịp Tết

Đầu năm 2022, người dân TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) nhận được bức thư ngỏ của Thành ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố với nội dung kêu gọi "chung tay cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19".

Bức thư nêu hiện nay tình hình dịch trên địa bàn TP Thanh Hóa diễn biến phức tạp, khó lường, số F0 có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp xuất hiện từ nhà máy, chợ, siêu thị, bệnh viện, trường học đến khu dân cư. Từ ngày 14/10 đến 30/12/2021, địa phương ghi nhận gần 620 F0, trong đó có nhiều ca từ các tỉnh, thành phố khác trở về, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Với phương châm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, nhà chức trách TP Thanh Hóa kêu gọi người dân tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh và "tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022".

Trong thư ngỏ, chính quyền đề nghị người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, gặp mặt và các hoạt động tập trung đông người vì sự an toàn của mình và mọi người, góp phần sớm đẩy lùi dịch COVID-19...

Bức thư ngỏ khiến nhiều người dân băn khoăn bị bị hạn chế đi lại, không đúng các quy định phòng chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 5

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Hà Nội có trạm ATM oxy 1.000 bình cho bệnh nhân COVID-19

Chiều 5-1, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội tổ chức khởi động trạm ATM oxy và các hoạt động điều phối oxy hỗ trợ điều trị F0 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện trạm ATM oxy có 1.000 bình oxy loại 8 lít, 200 bình oxy loại 40 lít, hàng trăm đồng hồ đo, máy oxy và bộ chia oxy. Các bình oxy và thiết bị y tế sẽ được cung cấp cho các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai và các huyện Gia Lâm, Đông Anh hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Bệnh nhân F0 khi được chỉ định dùng bình oxy sẽ được thanh niên tình nguyện, tình nguyện viên tổ hỗ trợ chăm sóc F0 tại địa phương vận chuyển từ các trạm y tế tới tận nhà và ngược lại. Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại nhà với tổng số hơn 400 bác sĩ và tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố.

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 6

Những bình oxy đầu tiên của trạm ATM oxy tại Hà Nội đã được các quận, huyện tiếp nhận trong lễ khởi động - Ảnh: THÀNH ĐOÀN HÀ NỘI

TIN QUỐC TẾ

Pfizer sẽ sớm cập nhật về vaccine dành cho trẻ dưới 5 tuổi

Vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) sẽ công bố kết quả mới nhất của cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 do hãng phối hợp với công ty BioNTech phát triển, dành cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Đây là thông tin được nhiều người quan tâm trong bối cảnh nhiều nước đang mở rộng chương trình tiêm chủng cơ bản và mũi tăng cường cho trẻ em ở mọi lứa tuổi để tăng cường khả năng bảo vệ trẻ trước sự lây lan của dịch COVID-19.  

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là loại tiêm 2 mũi. Hiện Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine này cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Ngày 5/1, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng đã ủng hộ cơ quan chức năng Mỹ cấp phép tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi tại nước này.

Australia cảnh báo tình trạng học sinh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi trở lại trường

Dự kiến từ tuần tới Australia sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, với kế hoạch trở lại trường vào ngày 1/2,  hầu hết học sinh nước này sẽ đi học khi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine. Theo các chuyên gia dịch tễ học, thời gian giãn cách giữa các mũi tiêm vaccine đối với trẻ là 8 tuần, như vậy chỉ có một số học sinh tiêm vaccine trước khi trở lại trường. 

Việc triển khai chương trình tiêm chủng chưa đầy 1 tháng trước khi học sinh trở lại trường sẽ khiến nhiều em không có đủ thời gian để cơ thể tạo ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm. Hầu hết những người tiêm mũi thứ 2 cần từ 1 hoặc 2 tuần để cơ thể tạo ra kháng thể, do đó, Australia chưa sẵn sàng để học sinh đi học trở lại. 

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 7

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 26/8/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Mỹ mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer đối với trẻ từ 12-17 tuổi

Sáng 6/1, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ chính thức công bố quyết định sử dụng vaccine của Pfize/BioNTech làm mũi tiêm tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Quyết định được công bố vài giờ sau khi Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng trực thuộc CDC Mỹ bỏ phiếu thông qua kiến nghị về việc mở rộng đối tượng tiêm chủng mũi tăng cường là trẻ em trong độ tuổi trên.

Khuyến nghị mới nhất của CDC Mỹ nêu rõ trẻ từ 12 đến 17 tuổi cần tiêm mũi tăng cường 5 tháng sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng cơ bản. Bệnh nhân COVID-19 đang chiếm số đông tại hệ thống bệnh viện của Mỹ, bao gồm cả các bệnh viện nhi, do đó, tiêm mũi tăng cường là vũ khí để giúp trẻ em vượt qua đại dịch này.  

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 8

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

KHUYẾN CÁO MÙA COVID:

F0 sau khi điều trị COVID-19 nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những bệnh nhân COVID-19 có thể bị sốt nhiễm trùng, suy hô hấp trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, sau thời gian điều trị tình trạng sức khỏe bệnh nhân bị suy giảm, cơ quan hô hấp, tiêu hóa bị suy yếu, người bệnh có nguy cơ bị suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Dưới đây là những thông tin về chế độ dinh dưỡng cho F0 sau điều trị COVID-19 do ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến cung cấp.

Bản tin Covid-19 ngày 6/1/2022: TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng 9
Ảnh minh họa

1. Chế độ dinh dưỡng cho F0 sau điều trị COVID-19 phục hồi sức khỏe

Người mới khỏi bệnh COVID-19 nên chọn protein có giá trị sinh học cao và cung cấp các acid amin thiết yếu. Các amino acid có vai trò duy trì các hoạt động chức năng của cơ thể, tham gia vào các hàng rào bảo vệ, sự dịch chuyển và hấp thu các chất dinh dưỡng.

Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo động vật/chất béo tổng số dưới 60%. Tuy nhiên, nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật, hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt...), các loại động vật có vú (lợn, bò...).

Người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở.

Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì nó khó tiêu;

Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày, vì sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người mới khỏi bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi.

Để hỗ trợ cho đường tiêu hóa, thì người bệnh nên bổ sung thêm probiotic mỗi ngày 2 lần, đồng thời bổ sung viên đa vitamin - khoáng chất cho người lớn, hay các dạng siro hay cốm đa vitamin - khoáng chất cho trẻ em giúp người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn, ăn ngon hơn, giúp cơ thể mau bình phục hơn

2. Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả

Các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa có tác dụng tốt với người sau điều trị bệnh là vitamin A, C, D, E và chất khoáng như sắt, kẽm,… có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng.

Ngoài ra, rau quả còn góp giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón. Nhu cầu rau xanh và hoa quả là từ 400 - 600 g/người/ngày.

3. Tăng cường bổ sung nước

Người mắc bệnh COVID-19, thường bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali do sốt, viêm phổi và nhiễm trùng, vì thế tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết.

Các loại nước sinh tố hoa quả, ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước soài, rau má,… để cung cấp lượng vitamin C, A là cần thiết cho cơ thể.

4. Thực phẩm cần hạn chế đối với F0 sau điều trị COVID-19

- F0 sau khi điều trị COVID-19 không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc... Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và uống thêm sữa từ 1-2 cốc/ngày.

- Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua… 

- Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.