Tin tức Covid-19 24/1: Bình Dương ca Omicron đầu tiên được ghi nhận

Tối 23/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin kết quả xét nghiệm phân lập virus từ Viện Pasteur TPHCM về 3 trường hợp người nhập cảnh vào tỉnh, trong đó có một trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

TIN TPHCM

TPHCM thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron

Hôm qua, TPHCM vừa có kết quả giải trình tự gien virút trên mẫu bệnh phẩm ca nhiễm Covid-19 có nghi nhiễm biến thể Omicron. Kết quả phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 2 ca cộng đồng. Như vậy, tính đến hiện nay, TPHCM có 72 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 67 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng liên quan 1 ca nhập cảnh. Trong ngày 23/1, TPHCM có số ca nhiễm mới thấp (138 ca). Số ca tử vong cũng xuống thấp (6 ca), trong đó có 2 ca chuyển đến từ tỉnh khác. 

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 1
Ảnh minh họa

TPHCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19

UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tập trung chỉ đạo, triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao. 

Trường hợp cần thiết, phải tổ chức các đội tiêm lưu động để tiêm phủ cho người yếu thế và người có nguy cơ cao. Các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân, bảo đảm thống nhất trong phòng chống dịch Covid-19 và không gây khó khăn cho người dân, nhất là trong dịp về quê đón Tết Nguyên đán 2022.

UBND TPHCM cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt dịp tết và trở lại nơi làm việc sau tết.

Lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng cao

Trong những ngày qua, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng cao, sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu đông đúc trở lại. 

Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong ngày 23/1 tức ngày 21 tháng Chạp, lượng hành khách đi lại bằng máy bay là hơn 59.000 lượt. Tuy có tăng cao so với thời gian trước nhưng chỉ bằng 44% so với năm trước. Hiện vé đi nhiều địa phương trong cả nước cũng đã được mua hết trong những ngày cao điểm trước Tết ở nhiều chặng.

Theo dự báo của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, lượng khách đi lại bằng đường hàng không sẽ tiếp tục tăng và dự báo cao điểm sẽ đạt khoảng 80% so với năm trước.

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 2
Hành khách đi lại tại sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu tăng.

TP Hồ Chí Minh: Bến xe đông khách như mọi năm

Tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, dù là đầu tuần và còn phải ít ngày nữa mới được nghỉ Tết, tuy nhiên lượng khách tìm đếm các quầy vé cũng như mua vé về quê đã bắt đầu tăng lên.

Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông, lượng khách qua lại bến xe đã bắt đầu tăng cao. Tính đến hôm nay (24/1), các doanh nghiệp hoạt động trong bến đã bán gần 50.000 vé xe Tết. So với mọi năm, lượng vé trên chỉ tương đương như 1-2 ngày cao điểm của những năm trước. Tuy nhiên đây là tín hiệu tích cực khi nhu cầu đi lại bằng xe khách đã dần tăng.

Còn tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), những ngày qua, đã có gần 300 xe khởi hành chở hơn 4.400 khách về quê. Tuy lượng khách giảm nhiều so với năm ngoái và thời điểm này chưa phải cao điểm người dân về quê đón Tết nhưng hầu hết người dân đều xa quê cả năm nay không về được vì dịch COVID-19 nên dự báo, số lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh từ hôm nay đến 27 Tết.

TPHCM dự kiến tổ chức thi tuyển vào lớp 10

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sở sẽ trình Thường trực UBND thành phố phương án tuyển sinh lớp 10 theo kịch bản thi tuyển như các năm trước đây, với số môn thi và cách tính hệ số điểm không thay đổi.

Theo kịch bản tuyển sinh lớp 10 năm 2022 của Sở GD-ĐT TPHCM, số môn thi, cách tính hệ số điểm vẫn giữ nguyên như trước đây. Cụ thể, 3 môn thi là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, đều tính điểm hệ số 1.

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 3
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ở lớp 9, theo tiến độ kỳ thi tuyển sinh lớp 10, các trường cần hoàn tất việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh. Việc tăng cường thời gian với HS lớp 9 là cần thiết nhưng nhà trường cần tính toán lộ trình ngay từ đầu, không để đến cuối năm học thực hiện dồn dập sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, áp lực học hành với HS.

TIN CÁC TỈNH THÀNH KHÁC

Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận

Tối 23/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin kết quả xét nghiệm phân lập virus từ Viện Pasteur TPHCM về 3 trường hợp người nhập cảnh vào tỉnh, trong đó có một trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Ca nhiễm Omicron là nữ, sinh năm 1990, quốc tịch Việt Nam. Ngày 9/1/2022, cô nhập cảnh từ Canada về sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN09, số ghế 27A. Sau khi phát hiện dương tính với biến chủng Omicron và được cách ly điều trị. Từ lúc phát hiện dương tính đến nay, sức khỏe của nữ bệnh nhân bình thường, không ho, không sốt. 

Hà Tĩnh bỏ quy định cách ly người về quê ăn Tết

Ngày 24/1, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông Lê Ngọc Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký văn bản về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê ăn Tết nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân về quê ăn Tết thực hiện nghiêm quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe và không phải cách ly y tế. Đối với các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, đồng thời thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm theo quy định.

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 4
Người dân về Hà Tĩnh ăn Tết chỉ cần theo dõi sức khỏe, không phải cách ly

Tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Y tế, Công an tỉnh và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Hà Nội thêm 3 quận được bán hàng ăn, uống tại chỗ

3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Ba Đình đã được phép bán hàng ăn, uống tại chỗ. Nhiều hoạt động dịch vụ được nới lỏng, ở quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Long Biên tại Hà Nội - các địa phương đã chuyển màu từ "cam" xuống "vàng", sau khi có đánh giá cấp độ dịch mới nhất.

Ngoài 4 quận chuyển màu từ "cam" xuống "vàng" đã điều chỉnh, Hà Nội còn 22 quận huyện khác cho phép bán hàng quán ăn uống tại chỗ gồm: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Long Biên, Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai, Sơn Tây, Đan Phượng, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ba Vì. Như vậy, hiện thành phố có 26 quận, huyện và thị xã - áp dụng các biện pháp hành chính: tương ứng cấp độ 2, hàng quán được bán tại chỗ.

Theo đánh giá cấp độ dịch, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).

TIN THẾ GIỚI 

Malaysia sẽ không áp đặt phong tỏa một lần nữa

Trong bối cảnh có đồn đoán rằng chính phủ sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, Thủ tướng Malaysia ngày 23/1 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển một lần nữa trong dịp Tết của người Hồi giáo năm nay.

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 5
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. 

Thủ tướng nước này cho biết hiện tại các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cũng như việc đi lại giữa các bang đã trở lại bình thường. Trong trường hợp gia tăng đột biến số ca nhiễm, chính phủ sẽ sử dụng phương pháp áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tập trung vào các khu vực được xác định có nhiều ca nhiễm.

Ông kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan COVID-19, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với COVID-19 trong tương lai. 

Ấn Độ: Omicron trở thành biến thể chính lây lan trong cộng đồng

Biến thể Omicron hiện đã đến giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng ở Ấn Độ và là biến thể chính ở nhiều thành phố lớn, nơi có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.

Trong bản tin mới nhất được công bố ngày 23/1, cơ quan nghiên cứu giải trình tự gene của Ấn Độ thông báo như trên, đồng thời cho biết dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đã được ghi nhận ở nhiều nơi trên cả nước. 

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giai đoạn lây nhiễm cộng đồng là khi các ca nhiễm COVID-19 trong 14 ngày gần nhất không có liên quan đến một ổ dịch hay cụm lây nhiễm cụ thể nào và khi có nhiều cụm lây nhiễm không liên quan đến nhau. 

Ai Cập: tăng cường bảo vệ trẻ trước COVID-19 khi ở trường học

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học trong đại dịch COVID-19, Bộ Y tế và Dân số Ai Cập mới đây đã đề ra 10 “quy tắc vàng” để ngăn ngừa COVID-19 bên trong trường học.

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 6
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm  SARS-CoV-2 tại trường học ở Cairo, Ai Cập

Đối với mỗi cá nhân, Bộ trên khuyến cáo cần tránh nơi tập trung đông người, ăn thức ăn lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng. Việc chào hỏi người khác cần được thực hiện từ xa, không bắt tay, ôm hôn hay có những tiếp xúc thân thể khác. Học sinh cần đảm bảo ngủ đủ. Khi đến trường, mỗi học sinh sử dụng đồ cá nhân, không chạm vào đồ dùng của người khác. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước để phòng ngừa tất cả các bệnh truyền nhiễm. Các em được khuyên tránh bám vào thanh vịn cầu thang hay lan can, trừ khi cần thiết. Các học sinh cần ghi nhớ giữ khoảng cách an toàn với người khác. Đối với lớp học, điều kiện tốt nhất để phòng dịch luôn là thoáng khí tự nhiên.

Israel: Liều vắc xin COVID-19 thứ tư giúp bảo vệ người cao tuổi gấp 3 lần

Bộ Y tế Israel cho biết liều vắc xin thứ tư có thể bảo vệ người trên 60 tuổi khỏi nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19 gấp 3 lần so với liều thứ ba. Kết quả trên được dựa trên số liệu của khoảng 400.000 người cao tuổi đã tiêm mũi 4. Nghiên cứu của Israel cho kết quả tương đồng với các nghiên cứu trước đó ở Mỹ, Đức, Nam Phi và Anh, đều cho thấy các loại vắc hiện nay kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron, nhưng liều tiêm bổ sung có thể giúp tăng đáng kể khả năng này.

Trước đó, một nghiên cứu sơ bộ từ Trung tâm Y học Sheba của Israel cho rằng liều vắc xin thứ tư giúp tăng kháng thể nhưng có thể không đủ để chống lại biến thể Omicron. Kết quả dựa trên nghiên cứu các nhân viên y tế đã tiêm liều thứ tư bằng vắc xin của Pfizer và Moderna.

Nhật Bản dự kiến áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 32 tỉnh

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc mới vẫn tăng cao đột biến và vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến sẽ đưa thêm 16 tỉnh, thành vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm, nâng tổng số địa phương trong danh sách này lên con số 32.

Đây là những địa phương mà chính quyền tỉnh đã và dự định sẽ yêu cầu chính quyền trung ương cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó có việc rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà hàng và quán bar.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này vào ngày 25/1.

Tin Covid-19 tối 24/1: Bình Dương: Ca Omicron đầu tiên được ghi nhận 7
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. 

CẢNH GIÁC/KHUYẾN CÁO MÙA COVID

Nhà có người cao tuổi tiêm vắc xin COVID-19 cần biết những gì?

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, người cao tuổi cần thường xuyên có người thân/người chăm sóc bên cạnh để theo dõi tình hình sức khỏe thường xuyên trong vòng 24 giờ và 7 ngày sau tiêm.

Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể những dấu hiệu phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm là: sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi…

Ở da: phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…

Ở họng: ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc…

Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…

Đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…

Toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần liên hệ ngay với cán bộ tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất theo số điện thoại được cung cấp hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào sau khi đi tiêm. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.

Không ăn nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.

Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.

Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi. Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.

Sau tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ chậm...

Người cao tuổi cần tiếp tục tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh mạn tính theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thông thường, lịch tiêm phòng mũi 2 sẽ được chính quyền địa phương nơi người dân sinh sống thông báo trực tiếp đến từng hộ gia đình.Tuy nhiên, người cao tuổi cũng nên chủ động nắm rõ lịch tiêm mũi 2 của mình để chuẩn bị.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết việc tiêm vắc xin cho người cao tuổi là cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, người cao tuổi khi tiêm phòng cần nắm rõ về tình trạng sức khỏe của mình.

"Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai tiêm mũi 2, mũi 3… cho toàn dân, với những người cao tuổi cần cẩn trọng hơn. Bởi đối với người cao tuổi, thể trạng sức khỏe đã yếu hơn bình thường. Sau khi tiêm, những dấu hiệu phản ứng sau tiêm khiến người cao tuổi mệt mỏi hơn.

Khi người cao tuổi tiêm mũi 2, mũi 3, cần nắm rõ tình trạng sức khỏe của mũi tiêm đầu tiên. Nếu khi tiêm mũi đầu đã xảy ra tình trạng phản ứng thuốc, sốc phản vệ thì cần lưu ý trao đổi với nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể", ông Nga khuyên.