Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM mới nhất 10/9/2021

(VOH) - Theo HCDC, trong 24h giờ qua số ca nhiễm tại TPHCM ghi nhận tăng 1.990 ca so với ngày liền kề trước đó.

Tính từ 17 giờ ngày 9/9 đến 17 giờ ngày 10/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.539 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 286.242 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang phát động chương trình "ATM nhân lực tiêm vắc-xin" để chung tay cùng TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Hội sẽ vận động nguồn lực kinh phí hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế nhằm huy động, tăng cường nhân lực y tế (đang không tham gia trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 trong các bệnh viện) tham gia tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân, tổ chức thành các đội tiêm ở điểm tiêm cố định hoặc đội tiêm lưu động. Trong ngày 10/9, 18 tình nguyện viên đầu tiên của chương trình đã có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn để hỗ trợ tiêm chủng.

Bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi là một trong những chìa khóa quan trọng để TP.HCM khôi phục các hoạt động sản xuất, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới. Thành phố sẽ linh động tổ chức các điểm tiêm cố định và đội tiêm lưu động đến các khu vực xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tiêm vắc-xin dễ dàng. Người dân hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và đồng ý tiêm ngay khi đến lượt.

Tin Covid-19 hôm nay, COVID-19 TPHCM, Cập nhật Covid-19, Ngày 10 tháng 9 năm 2021
Ảnh minh họa: PN

Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, “ai ở đâu thì ở đó”, tuân thủ nghiêm quy định cách ly tại nhà và dùng thuốc đúng cách khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Sự quyết liệt và khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của hệ thống chính trị cùng với sự chung tay của cả cộng đồng sẽ giúp TP.HCM sớm vượt qua đại dịch!

Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc-xin khác để tiêm mũi 2, theo đó: Nếu đã tiêm mũi 1 vắc-xin do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vắc-xin Pfizer và ngược lại.

Trong ngày 10/9 Bộ Y tế đã có văn bản số 7548/BYT-DP đề nghị Sở Y tế tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, thành phố về việc tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna đủ thời gian mà không có vắc xin Moderna để tiêm mũi 2.

Sau khi được UBND chấp thuận, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của vắc-xin để tạo sự đồng thuận cao.