Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM: Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn gặp nhiều khó khăn

(VOH) – Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn TP theo 3 kịch bản dưới 2.000 ca, từ 2.000 - 4.000 ca và từ 4.000 - 6.000 ca.

Báo cáo với đoàn giám sát Ban văn hóa – xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố về công tác phòng chống sốt xuất huyết sáng nay, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn gặp nhiều khó khăn như sự thiếu hụt lớn về nhân sự cả về chuyên môn phòng chống dịch và cả về truyền thông.

Bác sĩ Hưng nêu những khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết với đoàn giám sát
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nêu những khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết với đoàn giám sát.

Hiện tượng thiếu nhân sự và chuyên môn không phù hợp, phải kiêm nhiệm nhiều công tác gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, hiện nay Thông tư số 26/2018 của Bộ Tài chính hết hiệu lực nên một số nội dung chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia các chương trình không có cơ sở thực hiện. Mặt khác, hiện vẫn không có mức chi bồi dưỡng cho các tình nguyện viên tham gia vận động diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi chống dịch sốt xuất huyết, trong khi đó đây là lực lượng vô cùng quan trọng trong việc truyền thông, vận động, phát hiện sớm các điểm nguy cơ, các ổ dịch trong cộng đồng.

Ngoài ra, một vấn đề nhức nhối, khó giải quyết trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là các  công trình xây dựng, đất trống xen cài trong khu dân cư. Thực tế, các nơi này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh lăng quăng, phát sinh muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết nhưng việc kiểm tra các công trình này gặp không ít khó khăn khi thường xuyên bị từ chối, không tiếp xúc.

“Thực sự mà nói, tôi thấy hiện nay vẫn còn các khu đất trống xen cài trong khu dân cư không biết sao giải quyết. Còn về xử phạt tốc độ hiện nay tăng rất nhiều nhưng nhiều quận, huyện chưa có. Nói lại thì tôi cũng cảm ơn báo chí khi Thành phố mình làm quyết liệt công tác xử phạt vào năm 2015 thì báo chí viết bài rất nhiều, lan tỏa. Do vậy hôm nay cũng nhờ báo chí lan tỏa thông điệp việc xử phạt, nếu không làm tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết vi phạm là phải xử phạt, không còn nhắc nhở nữa”, Bác sĩ Hưng nói.

Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân TPHCM đánh giá cao nỗ lực của toàn thể ngành y tế Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Song, ông Bình cho rằng, với sự gia tăng bất thường số ca mắc, số ca nặng, số ca tử vong như hiện nay là điều đáng lo ngại, cần có giải pháp hiệu quả hơn. Để hạn chế số ca mắc gia tăng, ông Cao Thanh Bình nêu giải pháp, đối với các điểm nguy cơ, phải dùng tất cả nội lực, ngoại lực để kiểm soát các điểm nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng. Qua thực tế giám sát, ông Bình cho hay, có những địa phương tỷ lệ kiểm soát điểm nguy cơ rất thấp, chỉ 10 - 20%, cao nhất cũng chỉ 80%. Để làm được điều này, theo ông Bình, không chỉ trông chờ vào riêng ngành y tế mà cần sự phối hợp đồng bộ với các lực lượng trong hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là huy động sự tham gia của người dân.

“Đặc biệt đối với việc rà soát việc xây dựng các chính sách phù hợp, đề nghị ngành y tế rà lại việc thực hiện Nghị quyết 01. Thứ hai là những chính sách, quy định của Trung ương đối với những nghị định, thông tư còn hiệu lực hay không?Nếu hết hiệu lực thì đã có thay thế chưa. Và nếu như mức hỗ trợ không còn phù hợp nữa chúng ta suy nghĩ tăng mức.

Một vấn đề nữa là những vấn đề đặc thù của Thành phố ví dụ lực lượng tham gia chống dịch tình nguyện Covid có nhưng sốt xuất huyết không, vậy thì tại sao chúng ta không kiến nghị để ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ kịp thời?Tới đây, ngành y tế cũng nghiên cứu theo hướng lực lượng tình nguyện, lực lượng tham gia phòng chống dịch sẽ có một nghị quyết đặc thù. Và khi xảy ra dịch, không phải chờ đến kỳ họp Hội đồng nhân dân để trình mà chúng ta áp dụng Nghị quyết đó để thực hiện”, ông Cao Thanh Bình lưu ý.

Theo số liệu của Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 22/7, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy trên địa bàn TPHCM là 32.011 ca, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với cùng kì giai đoạn 2016 – 2020. Để chủ động trong công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM theo 3 kịch bản dưới 2.000 ca, từ 2.000 đến 4.000 ca và từ 4.000-6.000 ca đang điều trị tại bệnh viện nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do sốt xuất huyết. Căn cứ kịch bản này, Thành phố đang ở tình huống 2. Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền…để tiếp nhận, điều trị người bệnh.

Bình luận