Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trạm y tế lưu động : Tăng hiệu quả kết nối, ngăn F0 trở nặng

(VOH) - Bộ Y tế phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập hơn 400 trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Qua giám sát từ các đoàn của Bộ Y tế đã cho thấy, mô hình trạm y tế lưu động ở Thành phố Hồ Chí Minh thích hợp với bối cảnh dịch và tỏ rõ hiệu quả. Thêm vào đó, từ ngày 27/8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị cho F0 trong cộng đồng.

Ngay khi thuốc kháng virus về các Trạm y tế lưu động, tổ, đội y tế cơ sở tiến hành phát các túi thuốc đến các F0. Có thể nói, một mạng lưới phủ rộng khắp của các trạm y tế lưu động thực sự như cánh tay nối dài đến với cộng đồng.

Khi người dân nhiễm bệnh, ngay gần nhất các trạm y tế lưu động sẽ là nơi tiếp nhận, hướng dẫn, xử trí kịp thời tránh đến mức thấp nhất những trường hợp trở nặng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các trạm y tế lưu động này, khi ghi nhận các ca F0 có triệu chứng, bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến nhà để khám cho bệnh nhân. Tùy tình trạng của bệnh nhân, cho theo dõi tại nhà hoặc cho thuốc, hoặc điều phối xe chở lên trạm y tế lưu động. Trong những tình huống khẩn cấp, người nhà cũng có thể tự chở bệnh nhân đến trạm y tế lưu động để cấp cứu.

Trạm y tế lưu đông xã An Phú Tây huyện Bình Chánh được đặt tại vị trí khá thuận tiện cho cư dân, ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư, người dân cảm thấy an tâm rất nhiều so với trước đó.

Đại diện một hộ dân, nhà chị vợ chồng đều nhiễm bệnh cho biết: "Vợ chồng dương tính COVID-19 nên chồng đi cách ly trước, con em không dương tinh nên em xin mẹ con cách ly tại nhà. Mỗi ngày bên xã đều có điện thoại hỏi thăm em, mang thuốc lên nhà cho mình. Mình bị vậy mà được hỏi thăm nên tinh thần được nâng lên".

Bác sĩ Phạm Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh cho biết, huyện Bình Chánh có 15 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn như y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ, các cán bộ hỗ trợ… Đây là cánh tay nối dài cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà.

Tại các trạm y tế lưu động này, người dân sẽ được đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc để liên hệ chuyển tuyến kịp thời. 

"F0 đến trạm lưu động theo dõi như đo SP02, cung cấp oxy và nếu cần mình chuyển tuyến điều trị. Khi thành lập trạm y tế lưu động thì mình đã quản lý F0 tại địa bàn. giờ mình có thêm điều kiện chăm sóc F0 tốt hơn", bác sĩ Tuấn cho biết. 

Trạm y tế lưu động – tăng hiệu quả kết nối, ngăn F0 trở nặng 1

Trạm Y tế lưu động xã Bình Hưng (đặt tại Trường mầm non Thủy Tiên, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). 

Là một trong 6 trạm y tế lưu động đầu tiên của Thành phố, Bác sĩ Lê Thị Bảo Yến, trưởng trạm y tế lưu động phường 11, quận 3 chia sẻ: "Bên trạm lưu động này khi ghi nhận các ca F0 có triệu chứng, bác sĩ và điều dưỡng sẽ đến nhà để khám cho bệnh nhân. Tùy tình trạng của bệnh nhân, cho theo dõi tại nhà hoặc cho thuốc, hoặc điều phối xe chở lên trạm y tế lưu động số 1".

Tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, trạm y tế lưu động được đặt tại trường mầm non Thủy Tiên – địa điểm thuận tiện cho người dân có thể đến bất kỳ lúc nào. Khi mô hình trạm y tế lưu động phát triển mạnh, người dân sinh sống tại các ấp đã tìm đến để được tư vấn, nắm kỹ hơn về COVID-19 cũng như xét nghiệm sàng lọc kịp thời, tránh tuyệt đối sự chủ quan với dịch bệnh.

Tuy nhiên, do địa bàn xã quá rộng, nên theo cử nhân hộ sinh Lê Thị Kiều Ngân thì lực lượng nhân viên y tế còn mỏng, nhiều khi chưa thể bao quát hết: "Anh em ở trạm có 5 người nên toàn là đội hỗ trợ. Ở đây có đội lưu động 115 làm rất hiệu quả. Các bạn đi sáng đêm luôn, rất nhiệt tình. Xã Bình Hưng rất là đông dân nên em kiến nghị hỗ trợ lực lượng. Địa bàn rộng mà tụi em thì thưa, nhiều khi sợ không chăm sóc chu đáo hết được".

Sau khi đi kiểm tra giám sát thực tế tại các địa bàn thiết lập trạm y tế lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh,  PGS.TS.BS.Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS  - Bộ Y tế, nhận định, trong bối cảnh số F0 ngày càng tăng thì các cơ sở điều trị sẽ bị áp lực, quá tải nên triển khai chăm sóc F0 tại nhà là cần thiết: "Việc thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, giúp họ có được sự chăm sóc phù hợp, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong".

Với 2 chức năng chính là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn và quản lý các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhiều F0 phải điều trị tại nhà, việc thành lập các trạm y tế lưu động được đánh giá là vô cùng cần thiết.                      

Bình luận