Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trẻ đi tiêu ra máu, do đâu?

(VOH) - Đi tiêu ra máu ở trẻ thường do tiêu chảy nhiễm trùng nhưng cũng có khi là dị ứng với protein sữa bò.

Ngay khi trẻ bú sữa mẹ mà mẹ uống sữa bò thì vẫn xảy ra tình trạng dị ứng protein này và trẻ cũng đi tiêu ra máu như bị nhiễm trùng tiêu hóa.

Còn khi trẻ bị nhiễm trùng tiêu hóa thì chắc chắn một điều là trẻ bị vi trùng bên ngoài xâm nhập vào cơ thể từ một đường nào đó. Đường xâm nhập thường gặp nhất là từ miệng do người lớn chưa vệ sinh dụng cụ cho trẻ bú sạch sẽ đúng cách hay trẻ có thói quen ngậm tay, ngậm đồ chơi vào miệng.

Quý vị có thể nghe tư vấn từ bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM hoặc đọc chi tiết phía dưới.

Tình trạng đi tiêu ra máu ở trẻ con thường do tiêu chảy nhiễm trùng

Giữ vệ sinh là bảo vệ chúng ta

Thông thường, chúng ta không thể nhìn thấy vi trùng vì chúng rất nhỏ, tuy nhiên chúng hiện diện xung quanh môi trường sống của trẻ. Do đó, việc giữ vệ sinh môi trường vô cùng quan trọng vì nhiễm trùng tiêu hóa đa phần đều đi từ miệng của trẻ.

Người chăm sóc trẻ cần chú ý việc giữ vệ sinh cho mình, nhất là đôi tay vì đây chính là nơi truyền vi trùng từ nơi này sang nơi khác kinh khủng nhất.

Chúng ta thường được khuyến cáo phải rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay khi chạm vào những vật xung quanh, nhất là tiền. Tránh tình trạng bồng, ẵm, chơi đùa với trẻ mà không giữ gìn vệ sinh của người giữ trẻ.

Khi trẻ nhỏ đi tiêu ra máu được xác định nguyên nhân là kiết lỵ thì có 2 loại thường gặp nhất: lỵ trực khuẩn (lỵ trực trùng) hoặc lỵ ký sinh trùng amip.

Bệnh rất dễ gặp nhất là khi trẻ ăn phải thực phẩm hoặc uống nước ở nguồn không đảm bảo vệ sinh. Trong hai loại kể trên thì bệnh lỵ do nhiễm amip là phổ biến ở nước ta do đặc điểm khí hậu và vệ sinh môi trường.

Với 2 loại bệnh này, thời gian điều trị trung bình kéo dài đến 14 ngày.

Tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ảnh: internet

Phòng ngừa bệnh lỵ ở trẻ em

– Luôn cho bé ăn chín, uống sôi.

– Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Cắt ngắn móng tay, không để móng tay bẩn sẽ thành nơi “nuôi” amip.

– Nguồn nước sử dụng cần có bộ lọc xử lý đảm bảo vệ sinh. Nếu chỉ sử dụng nước khử bằng Clo thì không diệt trừ được amip.

– Thường xuyên khử trùng dụng cụ ăn uống của bé như: bình sữa, bát, thìa…

– Mẹ hãy vệ sinh tay sạch sẽ trước khi pha sữa và cho bé ăn.

– Thức ăn của bé cần được bảo quản đúng cách, tránh ruồi, muỗi, kiến, gián,…

– Luôn đảm bảo vệ sinh nhà cửa, sân vườn, ngõ phố, cống rãnh,…

– Diệt trừ côn trùng có khả năng gây bệnh bằng thuốc hoặc sử dụng cửa lưới chống ruồi muỗi.

Bình luận