Chờ...

Trẻ mấy tháng biết đi? 5 bài tập giúp bé nhanh biết đi

(VOH) – Giai đoạn trẻ tập đi không những mang lại niềm vui cho chính bé mà còn là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Thế nhưng, mẹ có biết trẻ mấy tháng biết đi không?

Vào những năm đầu đời, trẻ cần học hỏi rất nhiều kỹ năng để cơ thể biết giữ thăng bằng cũng như có thể kiểm soát được các bộ phận của cơ thể. Đầu tiên, trẻ cố gắng giữ cho các cơ của cổ, đầu, vai và toàn thân người được vững chắc. Sau đó, trẻ bắt đầu học cách sử dụng cơ tay một cách linh hoạt thông qua việc cầm nắm. Tiếp đến là việc luyện tập cho hông, đầu gối được chắc khỏe, nhờ đó mà trẻ biết bò.

Bước sang tháng 9 - 10, bé sẽ ngồi được lâu hơn nhờ dùng tay chống đỡ cho cơ thể. Ở một số trẻ, đến giai đoạn này, đã có thể đứng thẳng lên và vịn vào những đồ vật hỗ trợ để đi quanh phòng. Khoảng từ 3 - 6 tháng sau đó, trẻ sẽ bắt đầu tập đứng và giữ thăng bằng trên đôi chân mình mà không cần đến đồ vịn và cuối cùng trẻ sẽ tự tập đi một mình.

1. Trẻ mấy tháng biết đi?

Để biết được trẻ mấy tháng thì biết đi, cha mẹ có thể tham khảo các mốc thời gian sau đây:

1.1 Từ 12 – 18 tháng tuổi

Hầu hết các bé sẽ cất những bước đi đầu tiên khi khoảng độ 1 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bé biết đi chậm hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng cha mẹ không cần quá lo lắng, bởi nếu con học lật, học bò chậm hơn những bé khác thì con sẽ cần thêm vài tuần hay vài tháng để tập đi.

tre-may-thang-biet-di-5-bai-tap-giup-be-nhanh-biet-di-voh

Khi trẻ được khoảng 12 tháng tuổi bé sẽ học cách tập đi (Nguồn: Internet)

Sau khi chập chững những bước đi đầu tiên, bé sẽ học cách ngồi xổm xuống và đứng lên trở lại. Nếu đã đi vững, bé có thể sẽ thích những đồ chơi chuyển động đẩy hoặc kéo.

Mẹ không nên mua khung tập đi cho bé vì khung tập đi có thể khiến bé dễ bị té hoặc gặp phải những tình huống nguy hiểm khác. Hơn nữa, những thiết bị hỗ trợ như thế này sẽ làm bé dễ bị phụ thuộc và khi phải tập đi mà không có sự hỗ trợ nào, bé sẽ rất dễ nản.

1.2 Từ 19 – 24 tháng tuổi

Khi tay chân đã cứng cáp, bé sẽ thích vừa đi vừa giữ một đồ vật gì đó trong tay, ví dụ như quả bóng, thú nhồi bông... Do đó, mẹ có thể chuẩn bị một vài món đồ chơi dạng tương tự như thế để khuyến khích việc tập đi của trẻ.

1.3 Từ 25 – 36 tháng tuổi

Vào năm 2 tuổi, bé đã đi bộ dễ dàng và còn có thể tham gia vào một số trò chơi như đuổi bắt, tập hát,... Những bước đi lúc này của bé sẽ cân bằng hơn, bé dần sử dụng gót chân để đi chứ không đi nhón gót nữa.

Ở giai đoạn này, bé cũng rất thích leo trèo, chạy nhảy vì thế cha mẹ sẽ chú ý và giữ an toàn tốt cho bé để tránh té ngã nhé!

2. Các dấu hiệu cho thấy trẻ sắp biết đi

Một số dấu hiệu giúp cha mẹ có thể nhận biết được bé yêu nhà mình sắp biết đi:

  • Bé bò giống cua: Khi cơ thể đã sẵn sàng để biết đi, con sẽ cố gắng dùng một bên tay trong khi bò. Bên còn lại sẽ làm trụ đỡ để bế lê mông theo tay.
  • Con thích leo cầu thang: Khi bé chuẩn bị biết đi, bé sẽ cố gắng dùng tay tự mình leo trèo, lên xuống cầu thang. Hoạt động này sẽ giúp các cơ của con trở nên chắc khỏe hơn, nhờ đó cơ thể bé cũng linh hoạt và dẻo dai hơn. Tuy nhiên, cha mẹ nên theo sát con trong những lúc này để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra.
  • Con hay vịn, bám vào đồ đạc trong nhà: Nếu thấy bé bắt đầu cố gắng bám vào thứ gì đó trong nhà và cố gắng đứng dậy thì đây là lúc con đang chuẩn bị rèn luyện các cơ để sẵn sàng cho việc thân người có thể đỡ được trọng lượng cơ thể.
  • Đi men theo đồ vật: Khi trẻ đã có thể đứng và giữ được thăng bằng, con sẽ bắt đầu học cách dồn trọng lượng về một bên nào đó của cơ thể. Vì thế bé sẽ cần vị bám vào các đồ vật trong nhà và lần đi thường xuyên.

3. Dấu hiệu trẻ chậm biết đi

Thời điểm chậm nhất trẻ biết đi là vào lúc trẻ 18 tháng tuổi, nhưng sẽ có những trường hợp trẻ chậm biết đi so với bình thường thì ba mẹ nên dẫn bé đi khám đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân và sớm can thiệp. Một vài dấu hiệu nhận biết trẻ chậm biết đi mà ba mẹ nên chú ý như:

  • Trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi,...hơn so với giai đoạn phát triển vận động bình thường của bé.
  • Khi bé hết 4 tháng tuổi mà bé không thể nâng đầu lên góc 45 độ so với mặt giường thì đó là dấu hiệu cho thấy quá trình phát triển vận động của bé chậm và lúc này ba mẹ cần quan tâm, chú ý bé kỹ càng hơn.
  • Ở tháng thứ 6 mà bé không biết với tay ra phía trước lấy đồ vật và đây là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề trong giai đoạn phát triển của bé.
  • Đến tháng thứ 12 mà bé không thể tự đứng chững một mình thì đây là một trong các biểu hiện cho thấy bé chậm biết đi. 

4. Những bài tập giúp trẻ tập đi

Khi bé được khoảng 9 – 11 tháng tuổi, bé đã có thể bắt đầu tập những bước đi đầu tiên nếu được sự trợ giúp. Ban đầu, bé sẽ còn khá vụng về và thường bám vào cha mẹ hoặc các đồ vật hỗ trợ. Lúc này, mẹ có thể rèn sự dẻo dai của cơ đùi cho bé sẽ giúp bé nhanh biết đi hơn. Cụ thể:

4.1 Chuyển động cùng bé

Mẹ ở đằng sau, điều chỉnh hai cánh tay của bé. Tiếp đến, mẹ có thể đặt hai chân bé lên hai chân mình và cùng chuyển động. Mẹ chỉ nên bước từng bước một rồi lại nghỉ và tiếp tục để bé tò mò mà ham thích được đi cùng mẹ hơn. Đây là một trong những bài tập giúp bé thích được đi và sớm biết đi hơn.

4.2 Hạn chế bế bé

Việc bế bé nhiều sẽ khiến bé ỷ lại vào cha mẹ, từ đó dẫn đến ngại học đi. Vì thế, cha mẹ chỉ nên bế bé trong trường hợp cần thiết, còn những lúc khác, mẹ nên để bé tự do ngồi, vui chơi.

4.3 Luyện cho bé đứng

tre-may-thang-biet-di-5-bai-tap-giup-be-nhanh-biet-di-1-voh

Có nhiều cách giúp bé có thể tập đi sớm hơn (Nguồn: Internet)

Những lúc cha mẹ mặc quần áo cho bé nên để bé được giữ trong tư thế đứng. Đứng nhiều sẽ giúp cơ, xương chân của bé thêm rắn khỏe. Đây là tiền đề tốt trong quá trình tập đi của bé.

4.4 Hỗ trợ bé tập đi

Cha hoặc mẹ có thể đỡ bé đi hoặc cho bé vị tay vào bàn, ghế để bắt đầu quá trình học đi. Người lớn có thể chọn vị trí ở phía sau để đỡ bé, rồi từ từ thả tay ra đi khi bé đã tự đi được những bước nhỏ... Bên cạnh đó, có thể khuyến khích bé đi bằng cách đưa ra một đồ vật trước mặt và đỡ tay để bé nhấc chân về phía trước mới lấy được đồ vật mình muốn.

4.5 Dạy bé bắt chước

Việc học đi sẽ thú vị hơn nếu bé được tham gia vui chơi cùng các anh (chị) hoặc với cha mẹ. Nhìn thấy các người khác chạy nhảy, bé cũng sẽ rất phấn khởi và muốn bắt chước theo.

Khi dạy trẻ tập đi ba mẹ cần khích lệ tinh thần, giao tiếp với bé để bé cảm thấy hứng thú trong việc tập đi.

tre-may-thang-biet-di-voh-3
 

5. Có nên dùng ghế tập đi trẻ em ?

Ngoài các bài tập dành cho trẻ tập đi, thì cũng có các công cụ hỗ trợ bé tập đi. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến từ  chuyên gia thì không khuyến kích ba mẹ sử dụng các loại xe, ghế tập đi trẻ em vì các lý do sau:

  • Xe, ghế tập đi không hề giúp bé biết đi sớm hơn vì do khi bé tập di chuyển bằng xe hoặc ghế sẽ khiến bé lười tập đi, không có sức cố gắng. Ngoài ra nhờ hỗ trợ lực trong quá trình tập đi bằng xe lâu ngày nên vấn đề giữ thăng bằng của bé không được tốt, dễ khiến cơ - xương không lớn mạnh.
  • Thường khi trẻ tập đi sẽ tập trung quan sát đôi chân di chuyển nhưng khi tập bằng xe thì bé không thể nào xem sự chuyển động của cơ thể và vô tình khi tập đi mà không có xe bé sẽ không có cảm giác đi.
  • Khi tập đi bằng xe không phải tư thế đứng tự nhiên của con người, cách di chuyển trong xe hoàn toàn phi tự nhiên vì khi tập đi bằng xe thì bé nửa đứng nửa ngồi, chân cong và khi di chuyển chỉ cần đẩy mũi chân tới trước chứ không đặt cả gót chân xuống rồi mới đi. Lâu ngày như thế sẽ dễ bị tình trạng biến dạng xương và chân vòng kiềng.
  • Việc sử dụng xe, ghế tập đi trẻ em sẽ hạn chế sự khám phá và phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời.
  • Cho trẻ tập đi mà không dùng xe sẽ giúp bé phát triển rèn luyện các cơ trong cơ thể và làm cơ thể củ bé cứng cáp hơn khi tập bò, lẫy, đứng chững và đi.
  • Xe hoặc ghế tập đi cho trẻ dễ gây nguy hiểm, chấn thương cho trẻ.

Nhìn chung, việc tập đi cho trẻ cần phải tốn một khoảng thời gian khá dài, vì thế cha mẹ không nên quá nóng vội trong việc giúp trẻ tập đi. Sự phát triển ở mỗi bé không giống nhau, cho nên quá trình biết đi của các bé khác nhau cũng là điều bình thường.

Điều quan trọng là hãy luôn khuyến khích bé học đi. Khi đã tự mình đi được, bé sẽ rất hứng thú và mẹ cũng không phải mất công giúp đỡ bé nữa.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái