Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trẻ 4 tháng tuổi đã biết được những gì?

(VOH) – Trẻ 4 tháng tuổi là lúc đánh dấu những thay đổi của bé về thể chất. Vào thời điểm này mẹ nên tìm hiểu nhiều hơn về nhu cầu của con để có chế độ chăm sóc bé phù hợp.

Trẻ 4 tháng tuổi đang lớn dần và nhận thức rõ hơn từng ngày. Đây là thời điểm bé không chỉ có những giác quan tinh nhạy hơn mà còn ở vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển ngôn ngữ. Thậm chí nhiều bé đã có dấu hiệu mọc răng và những thay đổi khác.

1. Trẻ 4 tháng tuổi biết làm gì?

Nếu mẹ quan sát kỹ sự phát triển của trẻ từng ngày sẽ thấy, trẻ 4 tháng tuổi rất thích thể hiện bản thân qua tiếng cười, tiếng la... khi có người nói chuyện với bé.

Các mốc kỹ năng quan trọng ở tháng thứ 4 mà trẻ sẽ có được là:

1.1 Các giác quan phát triển

Trong 3 tháng đầu tiên, bé có thể còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận dạng màu sắc hay âm thanh. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ 4, bé đã bắt đầu nhận thức rõ về khuôn mặt và giọng nói quen thuộc của người thân, đặc biệt là mẹ. Bé có thể quay đầu tìm mẹ khi nghe được tiếng mẹ nói.

Đôi mắt bé sẽ chuyển động nhịp nhàng và dõi theo sự duy chuyển của đồ vật hay mọi người xung quanh phòng. Mẹ cũng có thể nhận thấy, mắt bé dần thay đổi màu sắc, màu mắt không còn giống như lúc vừa sinh ra. Sự thay đổi này sẽ còn kéo dài đến khi bé được khoảng 6 tháng tuổi.

tre-4-thang-tuoi-da-biet-duoc-nhung-gi-voh-0
Trẻ 4 tháng tuổi đã phát triển thêm nhiều kỹ năng mới (Nguồn: Internet)

Về ngôn ngữ, bé sẽ thường hay líu lo và bắt chước người lớn về một số âm như: măm măm, ma ma, pà pà, gừ gừ....

Những tương tác về âm thanh, giọng nói và tình cảm của bé trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn. Bé sẽ cười và nói chuyện nhiều hơn với mẹ bằng những những ngôn ngữ  “riêng” của bé.

1.2 Sử dụng bàn tay để cầm nắm đồ vật

Khi trẻ 4 tháng tuổi, bé đã biết sử dụng đôi tay để cầm nắm mọi món đồ nằm trong tầm với của mình. Ở thời điểm này, bé cũng biết cách phối hợp 2 tay cùng nhau để “khám phá” một món đồ chơi như lục lạc, rối lắc... hoặc tự nắm 2 tay vào nhau.

1.3 Đôi chân mạnh mẽ

Không chỉ biết sử dụng đôi bàn tay để cầm nắm đồ vật mà đôi chân của bé cũng sẽ hoạt động không ngừng. Bé có thể nhún và búng khá mạnh bằng đôi chân của mình. Đôi lúc, bé cũng thích coi chân lên để chơi với chân.

1.4 Có thể làm chủ phần đầu và cổ

Nếu so sánh việc trẻ 4 tháng tuổi phát triển như thế nào so với trẻ 3 tháng tuổi, hoặc trẻ 2 tháng tuổi, mẹ sẽ thấy lúc này bé đã có thể kiểm soát được phần đầu và cổ của mình một cách tốt hơn.

Đầu và cổ của bé không còn dễ bị ngửa ra như trước. Bé có thể giữ vững đầu ở tư thế bế ngồi với sự trợ giúp của người lớn. Ngoài ra, khi nằm sấp bé cũng đã có thể nâng đầu lên trong một vài phút và biết chống khuỷu tay.

Đặc biệt, một số trẻ 4 tháng tuổi đã biết lẫy hoặc lẫy thành thạo hơn, do bé đã biết cách kiểm soát phần cơ bụng.

Xem thêm: Thời điểm dạy con tập lật (tập lẫy), mẹ cần biết để hỗ trợ bé tốt hơn

1.5 Thích "nếm" thử mọi thứ

Ở giai đoạn này, bé cũng rất thích cho vào miệng mọi thứ và nếu để ý mẹ sẽ thấy chẳng có món gì trên giường là không dính nước bọt của bé. Vì thế, khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi mẹ cần lưu ý đến những món đồ chơi nhỏ để gần bé để tránh nguy cơ bé bị hóc, nghẹn.

tre-4-thang-tuoi-da-biet-duoc-nhung-gi-voh-1

Bé 4 tháng tuổi rất thích cho mọi thứ trong tay vào miệng (Nguồn: Internet)

1.6 Có dấu hiệu mọc răng

Chu trình mọc răng sữa thường sẽ không giống nhau giữa các bé. Chiếc răng đầu tiên của bé có thể xuất hiện trong khoảng thời gian từ 4 tháng đến 1 tuổi. Do đó, nếu trẻ 4 tháng  tuổi mọc răng thì cũng là điều bình thường mẹ nhé!

Xem thêm: Lịch mọc răng của trẻ - Mẹ nên biết để khỏi thấp thỏm mong đợi

2. Trẻ 4 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Khi trẻ được 4 tháng tuổi, cả mẹ và bé đều sẽ có được một giấc ngủ trọn vẹn, vì giờ đây bé đã có thể ngủ xuyên đêm. Bé 4 tháng tuổi có thể ngủ dài, liên tục từ 7 – 8 giờ mỗi đêm, các giấc ngủ ban ngày sẽ ngắn lại. Tổng thời gian ngủ trong ngày sẽ từ 14 – 16 tiếng.

Mặc dù bé đã dần hình thành thói quen ngủ lâu và sâu vào ban đêm, ngủ ít hơn vào ban ngày, nhưng cả giấc ngủ ngày và đêm đều có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, mẹ không nên cố ép bé thức vào ban ngày để mong ban đêm bé sẽ ngủ ngoan hơn. Tốt nhất là mẹ nên sắp xếp cho bé ngủ đúng giờ, đủ giấc để giúp con phát triển khỏe mạnh.

3. Trẻ 4 tháng tuổi ăn dặm được chưa?

Tất cả các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên rằng, mẹ chỉ nên cho tập cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, tùy theo tốc độ phát triển của mỗi bé mà mẹ có thể tập cho bé ăn dặm ở tháng thứ 4.

Xem thêm: Cách cho trẻ 4 tháng tuổi ăn dặm chuẩn nhất, mẹ nên nằm lòng

Nếu muốn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ thì mẹ sẽ dựa vào cân nặng của trẻ để quyết định lượng sữa phù hợp. Trung bình, một em bé 4 tháng tuổi sẽ bú khoảng 6 cữ sữa/ngày, lượng sữa trong một lần bú sẽ dao động trong khoảng 130ml.

Các chuyên gia khuyến cáo, lượng sữa trẻ 4 tháng tuổi bú trong ngày nên nằm trong khoảng 900 – 1200ml, mỗi lần bú không nên vượt quá 150ml sữa.

4. Chiều cao, cân nặng trẻ 4 tháng tuổi

Các chỉ số phát triển trẻ 4 tháng tuổi có sự tăng trưởng khá nhanh chóng. Các chỉ số tiêu chuẩn trung bình mà bé 4 tháng tuổi có sẽ đạt được là:

4.1 Cân nặng

  • Bé trai: 5.9kg – 9.1kg, trung bình khoảng 7.5kg
  • Bé gái: 5.5 – 8.5kg, trung bình khoảng 7kg
tre-4-thang-tuoi-da-biet-duoc-nhung-gi-voh-2
Cân nặng, chiều cao của trẻ 4 tháng tuổi thường tăng trưởng rất nhanh (Nguồn: Internet)

4.2 Chiều cao

  • Bé trai: 59.7kg – 69.6cm, trung bình 64.6cm
  • Bé gái: 58.6 – 68.2cm. trung bình 63.4cm

4.3 Vòng đầu

  • Số đo vòng đầu của bé trai: 39.7 – 44.5cm, trung bình 42.1cm
  • Số đo vòng đầu của bé gái: 38.8 – 43.6cm, trung bình 41.2cm

4.4 Vòng ngực

  • Số đo ở bé trai: 38.3 – 46.3cm, trung bình 42.3cm
  • Số đo ở bé gái: 37.3 – 44.9cm, trung bình 41.1cm

4.5 Thóp

  • Thóp sau và đường khớp đã khép lại nhưng thóp trước thì vẫn chưa đóng hoàn toàn.

5. Những vấn đề sức khỏe trẻ 4 tháng tuổi có thể gặp phải?

5.1 Đi ngoài phân màu xanh

Trẻ 4 tháng tuổi đi ngoài phân xanh, phân vàng thường xảy ra với những bé uống sữa công thức, tuy nhiên, là hiện tượng bình thường. Nếu mẹ thấy bé đi ngoài phân xanh nhưng vẫn bú tốt và tăng cân đều thì không cần can thiệp gì.

Xem thêm: Theo dõi phân của trẻ để giúp mẹ nhận biết sức khỏe con yêu

5.2 Bị sốt, ho, sổ mũi

Sốt, ho, sổ mũi là những triệu chứng trẻ thường rất hay gặp phải ở giai đoạn sơ sinh và trong những năm tháng đầu đời. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện để có thể chống chọi lại với bệnh tật.

Phần lớn trẻ bị sốt, ho, sổ mũi thường không quá nguy hiểm. Mẹ có thể tự chăm sóc trẻ tại nhà nếu trẻ bệnh nhẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sốt cao, li bì... mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

5.3 Bé lười bú

Có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ 4 tháng lười bú, chẳng hạn như: bé bị táo bón, bé đang bị sưng lợi do mọc răng, hay bé cảm nhận có vị hoặc mùi lạ trong sữa mẹ.... Mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân để có hướng khắc phục hiệu quả.

6. Những điều cơ bản khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi mẹ cần nhớ

Khi ở cạnh và chăm sóc bé yêu mỗi ngày mẹ sẽ tích lũy được cho mình rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc con. Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý đến những điều sau đây trong quá trình chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi:

6.1 Chăm sóc giấc ngủ của bé

Như đã nói vào thời điểm này giấc ngủ của bé đã bắt đầu ổn định và kéo dài, do đó, mẹ không cần lo trẻ đói mà đánh thức con dậy để bú sữa. Ngoài ra, để giúp trẻ 4 tháng tuổi ngủ ngoan xuyên đêm, trước khi ngủ mẹ có thể hát cho bé nghe, bật đèn ngủ mờ... Nếu bé giật mình dậy nửa đêm mẹ hãy cố gắng dỗ bé ngủ lại.

tre-4-thang-tuoi-da-biet-duoc-nhung-gi-voh-3
Giấc ngủ trẻ 4 tháng tuổi rất quan trọng (Nguồn: Internet)

6.2 Ngăn ngừa hăm tã ở trẻ

Nên thay tã cho con thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm để ngăn ngừa tình trạng hăm tã ở trẻ. Cần nhớ vệ sinh sạch sẽ cho bé trước khi thay tã mới. Khi quấn tã, nên để tã hơi lỏng và sử dụng tã thoáng khí để giúp không khí xung quanh vùng tã lưu thông tốt hơn.

6.3 Giữ vệ sinh cho bé

Giai đoạn này bé rất thích cho tất cả những đồ vật xung quanh vào miệng. Vì thế, mẹ cần chú ý để giữ vệ sinh cho con, đồng thời tránh trường hợp đồ vật rơi vào miệng gây nghẹt thở.

7. Khuyến khích sự phát triển của bé 4 tháng tuổi bằng cách nào?

Mẹ có thể tiếp tục thúc đẩy sự phát triển xúc giác của trẻ bằng cách cho bé tiếp xúc với nhiều loại chất liệu khác nhau, bề mặt khác nhau, từ nhung đến cotton, từ khăn lông đến đến những đồ vật an toàn khác.

Cho bé nghe âm nhạc cũng là cách giúp kích thích sự phát triển của trẻ. Mẹ có thể mở những bài hát thiếu nhi rộn ràng hay những bài nhạc cổ điển nhẹ nhàng để bé lắng nghe.

Khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ cũng là việc làm không thể thiếu trong giai đoạn này. Trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết biểu đạt những ý muốn của mình nhiều hơn bằng tiếng cười, tiếng bập bẹ và rất nhiều những âm thanh khác.

Ngoài những điều trên thì bé 4 tháng tuổi cũng cần có những khoảng yên lặng. Không có âm thanh ồn ào từ điện thoại, tivi hay máy tính sẽ giúp bé rèn luyện được sự điềm tĩnh và khả năng tập trung.

Bên cạnh đó, tập cho bé tự vượt qua những lúc giật mình thức giấc nửa đêm cũng là việc mà mẹ cần làm ở thời điểm này. Khi bé thức giấc, mẹ hãy cho bé một khoảng thời gian để bé tự chìm vào giấc ngủ. Nếu bé không thể ngủ trở lại mẹ mới cần phải dỗ dành bé.

Trẻ 4 tháng tuổi đang ở trong thời điểm phát triển quan trọng, bé sẽ muốn khám phá mọi thứ xung quanh để xây dựng thêm nhiều kỹ năng mới. Vì thế, cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con để giúp bé phát triển toàn diện.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận