Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trẻ sơ sinh thở nhanh – bình thường hay nguy hiểm?

(VOH) – Trẻ sơ sinh thở nhanh, thở mạnh, nhịp thở không ổn định là những dấu hiệu khiến nhiều mẹ lo lắng, bởi đây là triệu chứng của nhiều bệnh lý nhưng điển hình nhất là bệnh viêm phổi.

Bình thường khi trẻ hít vào và thở ra được tính là một nhịp, quá trình hít – thở của trẻ diễn ra theo chu kỳ. Tuy nhiên, hơi thở của trẻ sơ sinh thường không đều, lúc nhanh lúc chậm, thậm chí đôi lúc bé có thể dừng thở đến 5 giây hoặc lâu hơn. Trong bài viết này sẽ tập trung vào vấn đề trẻ sơ sinh thở nhanh.

1. Trẻ sơ sinh thở như thế nào được gọi là nhanh?

Nhịp thở của trẻ sơ sinh trung bình sẽ dao động từ 40 – 60 lần/phút. Nếu nhịp thở của trẻ nhiều hơn 60 lần/phút được gọi là nhịp thở nhanh.

Trẻ sơ sinh thở nhanh có thể là do đặc điểm sinh lý cơ thể hoặc chỉ là tạm thời, bởi trẻ sơ sinh có chu kỳ thở với đặc điểm cấu trúc là nhanh và sâu, sau đó trẻ sẽ thở chậm và nông hơn. Đôi khi vào ban đêm khi ngủ, trẻ cũng thở nhanh hoặc thở khò khè.

2. Vì sao trẻ sơ sinh thở nhanh và mạnh?

Nguyên nhân trẻ sơ sinh thở nhanh mạnh chủ yếu là do hệ thống hô hấp của trẻ chưa ổn định. Đồng thời trẻ sơ sinh thở chủ yếu bằng mũi, nhưng giai đoạn này mũi của bé còn khá nhỏ nên bé dễ bị nghẹt mũi.

tre-so-sinh-tho-nhanh-binh-thuong-hay-nguy-hiem-voh-0
Hệ thống hô hấp của trẻ chưa ổn định có thể làm cho nhịp thở của trẻ có thể nhanh hơn (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, hệ miễn dịch kém chưa điều khiển được hơi thở bản thân cũng khiến trẻ dễ bị cảm cúm và hô hấp khó khăn, gây ra tình trạng thở nhanh và mạnh hơn, đặc biệt là khi ngủ.

Mặc dù rất thường gặp, nhưng những nguyên nhân này thường không đáng lo ngại nếu trẻ vẫn tăng cân đều và ăn uống bình thường.

Xem thêm: Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ mẹ cần biết để không làm hại trẻ

3. Trẻ sơ sinh thở nhanh thế nào là dấu hiệu nguy hiểm?

Chúng ta biết rằng, thở nhanh là triệu chứng rất điển hình của bệnh viêm phổi trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 1 – 3 tuổi. Triệu chứng thở nhanh, thở gấp có thể được nhận biết thông quá cách đếm nhịp thở của trẻ, cùng với quan sát lồng ngực di động khi trẻ thở.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, dấu hiệu nhận biết tình trạng thở gấp, thở thanh ở trẻ em là:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: thở hơn 60 lần/phút
  • Trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi: thở hơn 50 lần/phút
  • Trẻ từ 1 – 5 tuổi: thở hơn 40 lần/phút

Lưu ý: Nhịp thở trẻ khi vừa ngủ dậy sẽ nhanh hơn bình thường, thậm chí có những quãng ngừng thở ngắn dưới 10 giây. Sự bất thường này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó nhịp thở của trẻ sẽ trở lại bình thường.

Do đó, khi quan sát nhịp thở của trẻ, nếu thấy bé có nhịp thở nhanh, kèm theo các triệu chứng sau đây thì có nhiều khả năng trẻ đang bị viêm phổi:

  • Sốt nhẹ
  • Ho vừa đến ho nặng
  • Trẻ sơ sinh thở rút lõm (phần giữa bụng và ngực lõm xuống khi trẻ hít vào)
  • Thở mệt
  • Cơ thể tím tái quanh môi và mặt
  • Thở khò khè hay thở rít khi nằm yên
  • Có thể bị co giật hoặc ngủ li bì khó đánh thức

Xem thêm: Cảnh báo 'thủ phạm' gây viêm phổi ở trẻ có thể do thói quen sinh hoạt thường ngày!

Ngoài ra, trẻ sơ sinh thở nhanh, khó thở, lồng ngực rung lên, có tiếng rít thanh quản khi thở, tình trạng lõm ức và rút lõm lòng ngực thì bé có thể đang gặp phải các vấn đề như: chứng suy hô hấp hay khó thở thanh quản.

4. Kiểm tra nhịp thở trẻ sơ sinh bằng cách nào?

Để đếm chính xác nhịp thở của bé, mẹ có thể chủ động ôm con vào lòng khi bé đang ở trạng thái thư giãn, không quấy khóc. Sau đó, mẹ nhẹ nhàng vén áo bé lên khỏi phần ngực và theo dõi nhịp thở thông qua bụng hay ngực.

tre-so-sinh-tho-nhanh-binh-thuong-hay-nguy-hiem-voh-1
Học cách đếm nhịp thở để nhận diện cơn thở nhanh ở trẻ (Nguồn: Internet)

Mỗi lần hít thở được tính là 1 nhịp. Đếm trong vòng 1 phút, có thể dùng đồng hồ kim giây để đếm nhịp thở. Không tùy tiện đếm nhanh trong 15 giây rồi nhân lên cho 4.

Đối với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi nhịp thở thường không đều, vì vậy, mẹ nên đếm lại 2 – 3 lần để có được kết quả chính xác nhất.

5. Trẻ sơ sinh thở nhanh phải làm sao?

Khi thấy tình trạng trẻ sơ sinh thở nhanh, nếu bé bú mẹ cần tiếp tục cho bé bú đều và theo dõi. Nếu trẻ có kèm theo các dấu hiệu bất thường như: bú sữa kém, có sốt, ho nhiều, thở khó, tay chân tím tái, li bì.... thì cần đưa bé đến ngay các cơ sở y để được thăm khám.

Tuyệt đối không điều trị bằng các mẹo dân gian hay tự ý mua thuốc về cho bé uống, bởi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nhìn chung, trẻ sơ sinh ốm yếu và rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Do đó, trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu thấy bé có những biểu hiện thở nhanh, kèm theo các dấu hiệu khò khè, thở rít, rút lõm lồng ngực... thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/channel/UCS9abANl51w7lCV0nHmAWOw

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận