Các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã kết hợp kết quả của các nghiên cứu di truyền khác nhau của hơn một triệu người.
Họ xem xét liệu những người có gen liên quan đến hút thuốc lá có xu hướng phân bố lượng mỡ trong cơ thể khác với những người không hút thuốc hay không.
Phân tích cho thấy, việc bắt đầu hút thuốc lá và hút thuốc suốt đời có liên quan đến việc tăng mỡ bụng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, đây là mỡ nội tạng - bao bọc quanh các cơ quan ở bụng, chứ không phải là mỡ dưới da.
Mỡ nội tạng rất khó nhìn thấy - bạn có thể có bụng phẳng nhưng vẫn có lượng mỡ không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Tiến sĩ Germán Carrasquilla – tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đối với mỡ bụng dường như xảy ra bất kể các yếu tố khác như tình trạng kinh tế xã hội, sử dụng rượu, ADHD hoặc mức độ chấp nhận rủi ro của một người nào đó”.
Từ quan điểm y tế công cộng, những phát hiện này củng cố tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và giảm hút thuốc lá nói chung, vì điều này cũng có thể giúp giảm mỡ nội tạng ở bụng và tất cả các bệnh mãn tính liên quan đến nó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Addiction cho biết: “Việc phòng ngừa và cai thuốc lá là rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ mắc một số rối loạn mãn tính, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch. Tuy nhiên, việc cai thuốc lá thường liên quan đến tăng cân, điều này có thể làm giảm động lực cai thuốc”.
Số liệu cho thấy, hiện có khoảng 28,3 triệu người trưởng thành hút thuốc lá ở Mỹ và con số này đã giảm trong thập kỷ qua. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng nicotine, hoạt chất trong thuốc lá, ngăn chặn sự thèm ăn và tăng cường trao đổi chất.