Có rất nhiều thuật ngữ y học dành cho mẹ bầu mà chỉ khi mang thai mới biết đến. Túi thai chính là một trong những thuật ngữ như vậy. Tuy nhiên, có không ít chị em phụ nữ cảm thấy xa lạ với thuật ngữ này và cũng không biết chính xác nó là bộ phận nào, có chức năng gì đối với sự phát triển của thai nhi.
1. Túi thai là gì?
Túi thai là một trong những dấu hiệu nhận biết có thai sớm nhất ở lần siêu âm đầu tiên. Đây cũng chính là nơi nuôi dưỡng thai nhi ngay từ khi mới là hợp tử nhỏ xíu cho đến khi bé chào đời.
Hầu hết các mẹ đều chỉ biết quá trình thụ tinh diễn ra thành công sau khi nhận biết được những dấu hiệu có thai sớm nhất. Vấn đề trứng được thụ tinh như thế nào các mẹ chỉ được quan sát trên minh họa chứ không thể biết chính xác.
2. Thai mấy tuần thì siêu âm thấy túi thai?
Trong y khoa, trứng được thụ tinh gọi là hợp tử, hợp tử di chuyển đến tử cung của mẹ và bắt đầu tiến vào nội mạc tử cung để làm tổ trong đó. Và thường vào khoảng ngày thứ 17 của thai kỳ, bác sĩ đã có thể phát hiện ra túi thai bằng phương pháp siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo của người mẹ. Vào thời điểm này, kích thước túi thai khoảng 2 - 3mm.
Khoảng ngày thứ 17 của thai kỳ bác sĩ đã có thể phát hiện ra túi thai bằng phương pháp siêu âm đầu dò (Nguồn: Internet)
Nhiều trường hợp sau 17 ngày vẫn chưa nhìn thấy túi thai thì mẹ cũng không cần phải quá lo lắng vì thời gian xuất hiện túi thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Mẹ có thể đi kiểm tra lại vào tuần thứ 5 – 6 của thai kỳ, bởi lúc này siêu âm sẽ cho ra kết quả chính xác nhất. Bắt đầu từ tuần thứ 5 - tuần thứ 6 kể từ khi trứng được thụ tinh, túi thai được hình thành
3. Túi thai bao nhiêu mm thì có phôi thai?
Khi túi thai đã được hình thành thì quá trình hình thành phôi thai sẽ được diễn ra trong tử cung, lúc này túi thai sẽ có kích thước 18mm và có phôi bên trong. Khi có phôi thai bé sẽ tiếp tục phát triển trong từng giai đoạn của thai kỳ.
Nhưng sẽ có vài trường hợp siêu âm đầu dò không thấy túi thai, siêu âm có túi thai nhưng chưa thấy phôi thai mặc dù túi thai vẫn đang phát triển.
Do một phần phôi thai xuất hiện khá sớm trong giai đoạn thai kỳ nên nhiều chị em phụ nữ không cảm nhận rõ mình đã mang thai, nhưng mẹ bầu cũng nên quá lo lắng vì chỉ là do thai chưa về làm tổ và cần đợi thêm ít ngày nữa đi siêu âm sẽ thấy phôi thai.
4. Tìm hiểu về thuật ngữ Yolksac trong siêu âm
Yolksac là một thuật ngữ liên quan đến quá trình siêu âm thai ở những tuần đầu tiên, cụ thể là siêu âm túi thai. Hiểu đơn giản Yolksac chính là túi noãn hoàng và được hình thành khi hợp tử cấy vào bên trong buồng tử cung sau 5 tuần tuổi.
Đây là yếu tố quyết định sự hoàn tất của một phôi dâu và chuyển thành phôi thai. Nếu siêu âm thấy bên trong túi thai xuất hiện một vòng tròn nhỏ (Yolksac) thì mẹ có thể yên tâm rằng túi thai đã nằm trọn trong buồng tử cung, không sợ và lo lắng là thai nằm ngoài tử cung nữa.
Yolksac là cấu trúc đầu tiên được hình thành để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Yolksac cung cấp dinh dưỡng cho phôi thai trong thời kỳ đầu khi mà túi thai chưa có phôi và chưa có nhau thai. Thông thường, khi siêu âm thai 5 tuần tuổi đã có thể nhìn thấy được túi noãn hoàng (yolksac) với kích thước khoảng 3 – 5mm.
Khi nhau thai hình thành và hoàn thiện thì chức năng nuôi dưỡng thai nhi sẽ được giao lại cho nhau thai. Vì vậy mà Yolksac chỉ tồn tại trong thời gian đầu, đóng vai trò tạo huyết và phát triển mạch máu, sau đó sẽ dần tiêu biến đi.
5. Có túi thai là có bầu chưa và thế nào là túi thai giả?
Túi thai thật thường nằm trong buồng tử cung sẽ được xác định thông qua siêu âm khi có Yolksac, phôi thai... Còn túi thai giả cũng có cấu trúc gần giống túi thai nhưng lại không có thành phần của thai.
Xét nghiệm beta hCG để xác định túi thai có thật hay không (Nguồn: Internet)
Vì vậy, để xác định một cách chính xác túi thai có phải thật hay không thì mẹ bầu cần phải tiến hành xét nghiệm máu để đo nồng độ beta hCG, nếu kết quả dương tính thì chứng tỏ mẹ bầu đang có thai.
Lưu ý: Nếu trong giai đoạn đầu của thai kỳ mẹ bầu siêu âm thấy túi thai nhưng không có Yolksac và cấu trúc phôi thai thì đây có thể là dấu hiệu bất thường của tình trạng "trứng trống" – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thai không phôi ở mẹ bầu.
6. Vì sao cần theo dõi túi thai sớm?
Sau khi khám thai và phát hiện có túi thai, nếu mẹ có tiền sử sảy thai, nguy cơ sinh non hoặc khó có con, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi túi thai sớm. Bởi bất kỳ sự cố nào xảy ra trong thời điểm này cũng đều có thể khiến cho quá trình trứng thụ tinh và di chuyển vào buồng tử cung bị cản trở.
Đây cũng là giai đoạn cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi, sức đề kháng giảm sút, biểu hiện một sự rối loạn hệ thần kinh giao cảm gây ra những xáo trộn như nôn ói, lạt miệng, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi, có thể bị sốt, ớn lạnh... nên mẹ cần phải theo dõi kỹ nhằm hạn chế tối đa những nguy hiểm đối với phôi thai trong thời kỳ đầu.
Ngoài ra, trong trường hợp túi thai gặp sự cố cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề khác như hội chứng mang thai giả hoặc bóc tách túi thai... đe dọa đến phôi thai.
Vì vậy, lời khuyên dành cho các mẹ bầu là hãy thật cẩn thận và nên khám thai càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện có thai, để có thể theo dõi sát sao sự hình thành túi thai cũng như quá trình phát triển của phôi thai, giúp con yêu có thể khỏe mạnh chào đời.