Chờ...

Nguyên nhân thai không có phôi là gì?

( VOH ) - Mang thai là niềm hạnh phúc của rất nhiều phụ nữ, tuy nhiên một số trường hợp thai phụ khi đi siêu âm lại phát hiện thai không có phôi. Vậy nguyên nhân thai không có phôi là gì?

Khi bắt đầu thai kỳ, trứng sẽ được thụ tinh và làm tổ trên thành tử cung. Phôi thai sẽ bắt đầu xuất hiện trong khoảng từ 5 – 6 tuần đầu tiên. Trong giai đoạn này, túi ối của mẹ sẽ được hình thành, tuy nhiên với những trường hợp trứng trống thì phôi thai sẽ không phát triển thêm nữa.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai không có phôi?

Trứng trống được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng không có phôi thai ở mẹ bầu, thường liên quan đến các vấn đề về nhiễm sắc thể, cấu trúc gen, tinh trùng hoặc trứng kém chất lượng hoặc do sự bất thường trong việc phân chia tế bào.

Thông thường, khi mẹ bầu gặp phải một trong những bất thường ở trên thì cơ thể sẽ tự hủy phôi thai và gây ra tình trạng sảy thai.

Mẹ bầu cũng không phải quá lo lắng khi gặp phải hiện tượng không có phôi thai, bởi lẽ việc mang thai trứng trống không phải lỗi của người phụ nữ và hiện tượng này cũng không thể ngăn cản được.

Ngoài ra, tình trạng trứng trống chỉ xảy ra một lần trong đời, đối với lần mang thai đầu tiên ở người phụ nữ.

Trứng trống là hiện tượng trứng đã thụ tinh trong tử cung nhưng không thể phát triển thành phôi thai. Hiện tượng này thường xảy ra khá sớm trong thai kỳ. Một số trường hợp đi siêu âm, mẹ sẽ phát hiện thai 4 tuần, 5 tuần, 6 tuần nhưng vẫn chưa có phôi thai. Thậm chí nhiều mẹ gặp phải hiện tượng trứng trống khi còn chưa biết mình đã mang thai.

2. Dấu hiệu nhận biết thai không có phôi thai

Cơ thể người phụ nữ vẫn có thể xuất hiện các dấu hiệu mang thai thông thường như bị mất kinh nguyệt hoặc dương tính với các xét nghiệm mang thai ngay cả khi đã xuất hiện trứng trống.

nguyen-nhan-thai-khong-co-phoi-la-gi-voh

Mẹ bầu không thể cảm nhận được sự khác biệt khi gặp phải tình trạng thai không có phôi (Nguồn: Internet)

Sau đó, hiện tượng sảy thai sẽ xuất hiện một cách bất ngờ với những dấu hiệu như: đau rút bụng, xuất huyết âm đạo hoặc có hiểu hiện nghén nặng hơn so với bình thường. Do đó, khi gặp phải những dấu hiệu này, mẹ cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Phần lớn các mẹ bầu sẽ không thể cảm nhận được sự khác biệt khi thai không có phôi. Lý giải cho điều này là do nồng độ nội tiết tố hCG vẫn tăng lên do nhau thai vẫn có sự phát triển trong thời gian ngắn, mặc dù phôi thai không còn.

3. Cần làm gì khi phát hiện thai không có phôi?

Nếu trong thời gian mang thai, chị em xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ về hiện tượng túi thai không có phôi thì cần phải đến ngay bệnh viện để tiến hành siêu âm. Việc làm này sẽ giúp thai phụ có được kết quả chính xác và nhanh nhất.

Nếu được chẩn đoán là trứng trống thì thai phụ sẽ được tư vấn các biện pháp xử lý bắt buộc như bỏ thai bằng cách tự nhiên hoặc các phương pháp ngoại khoa khác.

Sau khi thực hiện các phương pháp đình chỉ thai, cơ thể người mẹ cần có thời gian hồi phục, chị em nên tránh việc mang thai từ 4 – 6 tháng sau khi gặp phải hiện tượng trứng trống.

Để có thể kiểm tra sức khỏe thai kỳ của mẹ và bé được tốt nhất, chị em phụ nữ khi mang thai cần phải thực hiện khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể theo dõi nhằm đảm bảo thai nhi luôn được phát triển khỏe mạnh.