Đăng nhập

Uống 8 ly nước mỗi ngày có “thừa nước” hay không?

VOH - Uống 8 ly nước mỗi ngày (1 ly khoảng 250ml) là khuyến cáo được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng đưa ra từ trước đến nay.

Rất cần có đủ nước để cho vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy trong cơ thể con người, thanh lọc giải độc và trao đổi chất… tất cả đều cần đủ nước để thực hiện các hoạt động trên.

Tuy nhiên, hàng ngày ăn các loại thực phẩm và trái cây có chứa nhiều nước, cộng thêm “khuyến cáo” uống 8 ly nước mỗi ngày liệu có làm chúng ta “thừa nước” hay không?

Uống 8 ly nước mỗi ngày có “thừa nước” hay không? 1Xem toàn màn hình
Việc duy trì đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể là vô cùng quan trọng, người trưởng thành mỗi ngày cần bổ sung đủ 8 ly nước (1 ly khoảng 250ml) - Ảnh: TVBS

Uống nước giúp duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định bình thường

Năm 1945, Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo, người trưởng thành nên uống 2 lít nước mỗi ngày, tức tương đương 8 ly nước, mỗi ly khoảng 250ml.

Nước là một “chất dinh dưỡng” mà con người không thể thiếu, nó đóng vai trò to lớn trong việc duy trì sức khỏe của chúng ta.

Nước có thể giúp chúng ta duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định bình thường, điều hòa quá trình trao đổi chất của các tế bào, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và loại bỏ chất thải chất độc ra khỏi cơ thể.

Uống nước cũng có thể làm giảm sự hình thành sỏi thận và giảm nguy cơ nhiễm trùng bàng quang.

Khuyến cáo thời gian uống 8 ly nước rải đều trong ngày:

Ly thứ 1: uống vào sáng sớm vừa thức dậy

Ly thứ 2: 9 giờ sáng

Ly thứ 3: 11 giờ 30 phút sáng

Ly thứ 4: 1 giờ chiều

ly thứ 5: 3 giờ chiều

Ly thứ 6: 5 giờ 30 phút chiều

Ly thứ 7: 7 giờ tối

Ly thứ 8: 9 giờ tối

8 ly nước là tổng lượng nước “hấp thụ” vào cơ thể

Janet Helm - chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ cho biết, uống 8 ly nước mỗi ngày là “tổng” lượng nước “hấp thụ” vào cơ thể, bao gồm nước chứa trong thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, rau củ, trái cây, nước trái cây, sữa, cà phê, trà và nước trong các loại đồ uống khác cũng được tính chung vào luôn.

Nhưng đa số mọi người thường hay bị hiểu nhầm là lượng nước uống hàng ngày được khuyến cáo là phải uống đủ 8 ly nước, chưa tính bao gồm lượng nước chứa trong thực phẩm ăn hàng ngày.

Còn Christine Rosenbloom - giáo sư danh dự về dinh dưỡng tại Đại học bang Georgia (Hoa Kỳ) cho biết, đối với một số người, việc khuyến cao uống đủ 8 ly nước mỗi ngày là không cần thiết. Đặc biệt là nhóm người cao tuổi.

Bắt đầu già đi theo tuổi tác, việc cơ thể giữ đủ nước có thể trở nên khó khăn hơn. Bởi vì, thận của chúng ta không thể hoạt động tốt như khi chúng ta còn trẻ.

Và chiều cao, cân nặng, mức độ hoạt động, khí hậu môi trường và sức khỏe tổng thể cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nhu cầu “hydrat hóa” của chúng ta.

Hydrat hóa là quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ. Uống đủ nước sẽ tạo điều kiện cho các phản ứng hydrat hóa được diễn ra nhiều hơn, thuận lợi hơn nhằm bổ sung nước đầy đủ cho các cơ quan trong cơ thể.

Lượng nước trong thực phẩm không thể xem nhẹ bỏ qua

Carolyn O'Neil - một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ cho biết, khoảng 20% lượng nước hàng ngày của chúng ta đến từ thực phẩm. Trong số đó, trái cây và rau củ có hàm lượng nước cao, nếu ăn chúng cộng thêm uống đủ 8 ly nước nữa có thể làm tăng lượng nước hấp thụ của chúng ta. Nhưng mọi người yên tâm, nó không dẫn đến cơ thể “thừa nước”.

Thừa nước là chỉ tình trạng cơ thể hấp thụ nhiều nước hơn lượng nước mất đi. Khi người ta mắc một tình trạng bệnh lý làm giảm khả năng bài tiết nước của cơ thể hoặc tăng khả năng giữ nước trong cơ thể, lúc đó có thể xuất hiện tình trạng “thừa nước”.

Uống quá nhiều nước hiếm khi gây ra tình trạng “thừa nước” vì thận bình thường sẽ bài tiết lượng nước dư thừa ra ngoài một cách dễ dàng.

Các loại thực phẩm khác nhau có lượng nước khác nhau

Thực phẩm chứa 90-99% nước: gồm có dưa hấu, dưa lưới, dâu tây, cà chua, nấm đông cô, xà lách, bắp cải, cải bó xội (rau chân vịt), dưa chuột…

Thực phẩm chứa 80-89% nước: bao gồm sữa chua, nho, cam, táo, lê, dứa (thơm), cà rốt, bông cải xanh (súp lơ xanh)…

Thực phẩm chứa 70-79% nước: chẳng hạn như chuối, bơ, phô mai, khoai tây, bắp (ngô)…

Thực phẩm chứa 60-69% nước: gồm có kem que, các loại đậu, mì ống, cá hồi, thịt gà…

Uống 8 ly nước mỗi ngày có “thừa nước” hay không? 2
Người lớn tuổi chỉ cần uống 6 ly nước mỗi ngày, tương đương khoảng 1,5 lít nước là đủ, để tránh “thừa nước” sẽ dễ dẫn đến “sưng phù” một số vị trí trên cơ thể, nhất là sưng phù ở tay chân - Ảnh: TVBS

Sẽ gặp vấn đề gì khi uống quá nhiều nước?

Khi một người uống quá nhiều nước, nó sẽ làm loãng nồng độ natri trong máu, sẽ xuất hiện tình trạng được gọi là hạ natri máu. Hạ natri máu làm cho tất cả các tế bào và cơ quan của cơ thể “sưng phù” lên thông qua quá trình thẩm thấu.

Vì não sưng phù lên nhanh đến mức đẩy “thân não” ra khỏi hộp sọ, có thể đe dọa đến tính mạng. Thân não (hay còn gọi là hành não, cầu não và não giữa) là cấu trúc thần kinh nằm trên tuỷ sống và ở trong hộp sọ.

Hầu hết mọi người hiếm khi chết vì uống quá nhiều nước, nhưng quá nhiều nước có thể gây ra một số bệnh nhỏ thông thường, chẳng hạn như nước tiểu có thể chảy ngược vào niệu quản, có thể ảnh hưởng đến thận…

Người lớn tuổi “có cần” uống đủ 8 ly nước mỗi ngày?

Nếu mọi người muốn thực hiện theo khuyến cáo uống đủ “8 ly” nước mỗi ngày, thực ra cũng không sao, nhưng nếu uống không đủ “8 ly” nước thì cũng đừng quá lo lắng.

Vì trong trà, cà phê, đồ uống khác hàng ngày và rau củ quả có hàm lượng nước cao đều có thể cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể chúng ta.

Đối với người lớn tuổi nói chung, chỉ cần uống 6 ly nước mỗi ngày, tương đương khoảng 1,5 lít nước là đủ. Vì hầu hết người lớn tuổi đều có một số vấn đề về tim mạch hoặc thận, nếu “thừa nước” sẽ dễ dẫn đến “sưng phù” một số vị trí trên cơ thể, nhất là sưng phù ở tay chân.

Bình luận