Tại Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hưởng ứng "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng sinh" diễn ra ngày 20/11 tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam. Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy từ dữ liệu kháng sinh đồ: xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng trong thập kỷ qua”.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo, trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Khi nhiễm trùng có thể không điều trị được bằng các thuốc kháng sinh lựa chọn đầu tiên, nhiều thuốc đắt tiền phải sử dụng.
Tình trạng kháng kháng sinh làm kéo dài thời gian điều trị, thời gian nằm viện, chi phí khám chữa bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ đô la Mỹ và gây ra thêm khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm.
Cho rằng, việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh theo đơn kê, tuân thủ hướng dẫn khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác...
Cần ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.
Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị được.
Kháng thuốc đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật, trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng.
Kháng thuốc đang đe dọa thành quả mà thế giới đã đạt được trong các lĩnh vực chống lao, sốt rét, HIV và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục trong những năm qua...