Chờ...

Vắc xin ung thư có thể được phổ biến rộng rãi trong vòng một thập kỷ tới

(VOH) - Những nhà sáng lập của công ty BioNTech (Đức) dự đoán rằng, vắc xin ngừa ung thư có thể được phổ biến rộng rãi trong vòng một thập kỷ tới.

Hai vợ chồng nhà khoa học Ugur Sahin và Ozlem Tureci, đồng sáng lập công ty BioNTech đã dự đoán rằng, vắc xin ung thư có thể được phổ biến rộng rãi trong vòng một thập kỷ tới - theo Insider.

BioNTech là công ty công nghệ sinh học hợp tác với Pfizer để phát triển vắc xin mRNA hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Giáo sư Ugur Sahin và Giáo sư Ozlem Tureci
Giáo sư Ugur Sahin và Giáo sư Ozlem Tureci, đồng sáng lập Công ty BioNTech (Ảnh: Twitter)

Giáo sư Ugur Sahin cho biết, vắc xin ung thư sẽ được tạo ra dựa trên những đột phá mà các nhà khoa học đạt được trong quá trình phát triển vắc xin Covid-19 và có thể được phổ biến rộng rãi chỉ trong vòng 8 năm, tức là trước năm 2030.

Mục tiêu của các nhà khoa học này là sử dụng phương pháp tiếp cận vắc xin cá nhân hóa để đảm bảo rằng ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nhận được loại vắc xin phù hợp với họ.

Các chuyên gia sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch để tế bào T trong cơ thể bệnh nhân có thể sàng lọc các tế bào ung thư còn sót lại và loại bỏ chúng hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Ozlem Tureci, các loại can thiệp y tế khác sẽ được các bác sĩ xem xét sử dụng để kết hợp với vắc xin và những điều chỉnh để đảm bảo bệnh nhân được chữa khỏi.

"Mỗi công đoạn và mỗi bệnh nhân mà chúng tôi điều trị trong các thử nghiệm ung thư này giúp chúng tôi hiểu thêm về những gì chúng tôi đang làm và cách giải quyết vấn đề đó" - Giáo sư Tureci kết luận.

Theo The New York Times, ban đầu BioNTech tập trung phát triển các công nghệ mRNA nhằm điều trị ung thư nhưng lại thành công trước với vắc xin Covid-19.

Xem thêm: Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư và viêm loét dạ dày từ củ ngải bún

Ung thư là nhóm bệnh gây tử vong đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Do đó, phòng ngừa và điều trị ung thư đang là mối quan tâm lớn không chỉ của ngành y tế, mà cả cộng đồng xã hội.

Ngoài ba phương pháp kinh điển là phẫu thuật, hóa trị, và xạ trị, liệu pháp miễn dịch là phương pháp thứ tư đang được nghiên cứu phát triển. Trong liệu pháp miễn dịch này, vắc xin là hướng chủ động, sớm, đặc hiệu và nhiều hứa hẹn nhất.

Hiện nay, hầu hết các vắc xin ngừa ung thư đều đang qua các thử nghiệm lâm sàng (clinical trials) liên quan người tình nguyện viên. Danh sách các cơ quan bị ung thư đang thử nghiệm lâm sàng vắc xin khá dài gồm: Bàng quang, Não bộ, Vú, Cổ tử cung, Đại trực tràng, Thận, Máu, Phổi, Da, Tủy xương, Tụy tạng, Tiền liệt tuyến.