Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hòa, Chuyên khoa ung thư - chuyên sâu ung thư đầu cổ và vú cho biết, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Bệnh đang dần trẻ hóa, phổ biến và trở nên trầm trọng hơn. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này hiện nay đang giữ vị trí cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư phổ biến liên quan đến nữ giới.
Ung thư vú là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc đứng hàng thứ nhất trong các bệnh ung thư ở nữ giới trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với gần 22.000 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong.
Bệnh ung thư vú (UTV) và những yếu tố nguy cơ
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hòa, UTV là tình trạng bệnh lý thường xuất phát từ mô tuyến (tạo sữa), do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được. Tế bào tăng sinh không kiểm soát xâm lấn xung quanh (phát triển tại chỗ), tách rời khỏi vú di chuyển đến hạch nách, cổ, sau xương sườn (di căn hạch) đến các cơ quan, cấu trúc trong cơ thể (di căn xa).
Bác sĩ Hoà nhấn mạnh, trong hai thập kỷ qua, tổng số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tăng gần gấp đôi, từ con số ước tính 10 triệu người vào năm 2000 đã lên tới 19,3 triệu người vào năm 2020. Dự báo số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư những năm tới sẽ cao hơn gần 50% vào năm 2040 so với năm 2020.
Xem thêm: 3 phương pháp xạ trị ung thư vú đang được áp dụng hiện nay
Theo bác sĩ, bệnh UTV thường gặp nhiều ở các đối tượng 44 - 55 tuổi, nhưng đang dần trẻ hóa, cứ 10 người mắc bệnh sẽ có 1 người bệnh dưới 30 tuổi và bệnh nhân nhỏ tuổi nhất hiện nay là 19 tuổi. Nam giới cũng có khả năng mắc bệnh nhưng 1/1000 người. Bác sĩ bày tỏ: “Điều đáng lo ngại ở đây là người trẻ khi mắc bệnh, bệnh thường trở nên nặng hơn”.
Bệnh UTV thường chia làm hai dạng là yếu tố nguy cơ thay đổi được và yếu tố nguy cơ không thay đổi được. Các yếu tố nguy cơ thay đổi được là do các nguyên nhân: Uống rượu; Thừa cân hoặc béo phì; Không hoạt động thể chất; Không hoặc sinh con so trễ; Không cho con bú; Dùng thuốc ngừa thai; Điều trị nội tiết sau mãn kinh; Đặt túi ngực.
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được là: Do giới tính và độ tuổi, nữ thường mắc nhiều hơn nam (1/1000), tuổi > 55 tuổi; Do đột biến gen di truyền: 5-10%, phổ biến nhất là BRCA1 và BRCA2, các gen khác ít phổ biến, hầu hết không tăng nguy cơ nhiều; Do có tiền sử gia đình bị UTV; có tiền sử cá nhân UTV; Có chiều cao lớn hơn; Có mô vú dày đặc; Tổn thương vú tăng sinh không điển hình; Ung thư biểu mô dạng thùy tại chỗ (LCIS); Bắt đầu có kinh sớm; Mãn kinh trễ; Thành ngực tiếp xúc bức xạ; Đã dùng thuốc Diethylstilbestrol.
Dấu hiệu và cách ngăn ngừa bệnh
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hòa, những dấu hiệu nhận biết UTV là: Núm vú tụt vào trong hoặc thay đổi hình dạng; Tăng dịch bất thường ở núm vú; Bướu ở vú hoặc nách; Tăng kích thước hoặc thay đổi hình dạng vú; Lõm da vú; Đau ở bất kỳ vị trí nào của vú; Da đỏ hoặc bong tróc vùng núm vú hoặc vú.
Chuyên gia cũng cho biết: “Bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, với ung thư cổ tử cung là 80 - 93%, ung thư đại trực tràng là 88%”. Vì vậy, phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết ung thư vú và cách kiểm tra vú tại nhà giúp pháp hiện sớm ung thư vú
Để ngăn ngừa UTV cần: Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý; Thường xuyên hoạt động thể chất, trung bình một người nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày; Hạn chế sử dụng rượu bia và nói không với thuốc lá; Chế độ ăn uống nhiều rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa giàu canxi.
Bác sĩ Hòa cũng bày tỏ: “Thay vì dùng các loại vitamin từ thực phẩm chức năng hãy tập thói quen bổ sung nhiều vitamin tự nhiên từ thực phẩm rau, củ, quả hàng ngày để duy trì chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể”.
Còn đối với những phụ nữ có nguy cơ cao mắc UTV từ những yếu tố nguy cơ cần: Tư vấn di truyền và xét nghiệm gen nguy cơ; Dùng thuốc giảm nguy cơ; Phẫu thuật dự phòng; Tầm soát với thời gian ngắn lại và biện pháp mạnh hơn; Theo dõi kỹ để phát hiện các dấu hiệu từ sớm.
Xem thêm: Phụ nữ có vòng bụng càng to, nguy cơ ung thư vú càng cao
Chuyên gia cũng cho lời khuyên, để phát hiện UTV nhũ ảnh chính là biện pháp chính để nhận biết bệnh, siêu âm, MRI là biện pháp bổ sung thêm và không nên sử dụng đơn độc. Nữ từ 40 - 44 tuổi có thể làm nhũ ảnh mỗi năm, từ 45 - 54 tuổi nên thực hiện mỗi năm và từ 55 tuổi trở nên thực hiện mỗi 2 năm và kéo dài nếu tuổi thọ trên 10 năm, người có yếu tố di truyền/gia đình từ 30 tuổi thực hiện nhũ ảnh kèm MRI.
Người dưới 40 tuổi và không có nguy cơ cao có thể tự khám và có thể tới gặp bác sĩ hoặc nhân viên y tế từ 1-3 năm. Đặc biệt, người đã điều trị bệnh cần theo dõi sau điều trị và ngăn ngừa tái phát, không nên dùng những phương pháp điều trị không rõ ràng, dễ bị lợi dụng.