Vụ việc 3 người tử vong và 12 người khác tại Úc phải điều trị do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes - một loại vi khuẩn đường ruột thêm lần nữa khiến nhiều người kinh hãi về độ nguy hiểm của loại vi khuẩn này.
Cũng liên quan tới vi khuẩn Listeria, riêng tại Nam Phi, trong hơn 1 năm qua đã có khoảng 900 trường hợp nhiễm bệnh do Listeria, trong đó có ít nhất 180 người thiệt mạng. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, tình trạng bùng phát bệnh tại Nam Phi có quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Từ đầu tháng 3/2018, các siêu thị Nam Phi đã bắt đầu thu hồi các sản phẩm thịt do hãng Enterprise Food sản xuất sau khi các chuyên gia y tế phát hiện vi khuẩn Listeria có trong một số thực phẩm của công ty. Nhiều nước như Namibia, Malawi, Mozambique, Zambia và Kenya đã cấm nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm thịt chế biến sẵn từ Nam Phi.
Trước đó tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã tuyên bố thu hồi nhiều sản phẩm do nghi nhiễm Listeria: thu hồi nhiều loại kem do Blue Bell sản xuất tại 10 tiểu bang của Mỹ vì Listeria; Mount Kisco Smokehouse một công ty khác của Mỹ cũng thu hồi hai loại sản phẩm cá hồi hun khói vì Listeria. Xa hơn, mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) từng tuyên bố thu hồi quốc tế đối với táo và các sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Mỹ cũng vì nhiễm vi khuẩn Listeria…
Listeria nguy hiểm ra sao?
Nhiễm khuẩn listeria là tình trạng ngộ độc thực phẩm hiếm gặp. Khoảng 20% bệnh nhân nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes (Listeria) tử vong. Vi khuẩn Listeria cũng được cho là nguyên nhân gây tử vong trong 19% tổng số các ca tử vong vì các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng từ thực phẩm.
Listeria thường gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ có thai (Ảnh: netmums)
Đây là loại vi khuẩn thường gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.
Đa số các bệnh do thực phẩm gây ra thường gây bệnh ngay lập tức sau khi ăn, nhưng triệu chứng do nhiễm vi khuẩn Listeria như tiêu chảy và sốt có thể sẽ xảy ra rất lâu sau khi ăn, có thể từ 1-3 tuần, thậm chí khoảng 2 tháng.
Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ phát bệnh và có những triệu chứng điển hình như sốt, đau mỏi cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Nếu vi khuẩn lan tới hệ thần kinh thì có thể gây đau cổ, cứng cổ, mất thăng bằng, thậm chí có thể dẫn đến co giật.
Listeria có trong tủ lạnh?
Vi khuẩn Listeria monocytogenes thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật, các sản phẩm sữa chưa được khử trùng, pho mát loại mềm, thịt nguội, rau quả, hải sản xông khói và đóng hộp.
Loại vi khuẩn này còn được tìm thấy trong trái cây tươi, rau xanh, thịt và rau chưa nấu chín, thịt chế biến sẵn và thịt đã nấu chín. Mặc dù vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt sau quá trình tiệt trùng và nấu chín, nhưng nhiễm khuẩn có thể sẽ xảy ra sau khi nấu chín và trước khi đóng gói.
Thức ăn để trong tủ lạnh vẫn có nguy cơ nhiễm Listeria (Ảnh: Vemale)
Thức ăn để trong tủ lạnh vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Listeria và gây ra ngộ độc do vi khuẩn Listeria có thể phát triển ở nhiệt độ từ -1 đến 4 độ C. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cũng có nguy cơ bị nhiễm chéo vi khuẩn.
Không ít người nghĩ rằng để thức ăn trong ngăn đá có thể tiêu diệt được vi khuẩn nhưng thực tế bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, làm cho quá trình sinh sôi phát triển của chúng bị chậm lại chứ không thể giết chết được vi khuẩn, đặc biệt là đối với Listeria.
Phòng tránh nhiễm Listeria khi sử dụng đồ ăn trong tủ lạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), người dùng nên bảo quản các loại thực phẩm trong tủ lạnh, dưới 4 độ C ở ngăn mát và dưới 0 độ C ngăn đá.
Nên chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C ở ngăn mát và dưới 0 độ C ngăn đá (Ảnh: Choice)
Do Listeria vẫn có thể tồn tại ở nhiệt độ thấp, nên cần có biện pháp để tiêu diệt Listeria trước khi sử dụng như:
- Đun chín thức ăn ở nhiệt độ trên 100 độ C sẽ tiêu diệt tất cả những vi khuẩn Listeria.
- Thực phẩm sau khi rã đông không nên để lại tủ lạnh vì vi khuẩn bị kìm hãm được giải phóng sẽ sinh sôi phát triển rất nhanh. Việc cấp đông trở lại sẽ gia tăng số lượng vi khuẩn.
- Lau sạch toàn bộ các vết bẩn trong tủ lạnh, đặc biệt là nước rớt ra từ thịt sống và gia cầm.
- Vứt bỏ tất cả các loại thực phẩm có thể đã bị nhiễm khuẩn ở trong tủ lạnh.
- Nên thường xuyên dọn vệ sinh ngăn mát và ngăn đá và không trữ quá nhiều, quá lâu các thực phẩm trong tủ lạnh.
- Trước khi cấp đông thực phẩm, nên chia thành từng túi nhỏ đủ lượng gia đình ăn để đảm bảo cho sức khỏe.
- Với phụ nữ mang thai và người già, trẻ nhỏ… nên tránh ăn hot dog, thịt chế biến sẵn hoặc nếu ăn, nên làm nóng đến nhiệt độ tối thiểu là 74 độ trước khi ăn; Tránh ăn pho mát chưa tiệt trùng và các loại hải sản hun khói.
- Rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn;
- Rửa sạch tay và dụng cụ nấu ăn với xà bông trước khi chế biến thức ăn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với thịt sống và thức ăn chế biến sẵn.
- Nếu có một loại sản phẩm nào đó bị thu hồi vì vấn đề an toàn thực phẩm và bạn không chắc chắn đồ ăn cùng loại của mình có bị ảnh hưởng hay không, tốt nhất bạn nên vứt bỏ.