Chờ...

Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào? Có trong thực phẩm gì?

(VOH) – Vi khuẩn Salmonella thường có trong các loại thực phẩm bẩn. Thực phẩm càng bẩn vi khuẩn này càng nhiều và mức độ ngộ độc càng cao, thậm chí gây tử vong.

Vi khuẩn Salmonella có trong thực phẩm nào?

Liên quan đến thông tin hàng trăm học sinh tại Khánh Hòa nhập viện vì ngộ độc, Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà cho biết kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.

Theo các chuyên gia y tế vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt, gia cầm, gia súc, sữa, lòng đỏ trứng. Chúng cũng có trên một số vật nuôi hoặc rau củ quả được chăm bón bằng phân chuồng.

Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.

Xem thêmVi khuẩn Salmonella là tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc

Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào? Có trong thực phẩm gì? 1
Vi khuẩn Salmonella thường có trong các loại thực phẩm bẩn.

Triệu chứng khi bị nhiễm vi khuẩn Salmonella

Người ăn phải thức ăn có khuẩn này sẽ có các biểu hiện giống như tất cả các ngộ độc khác. Sau khi ăn từ 4-6 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, nôn ói, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân có máu…

Triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước hai đến ba tuần, trong phân hai đến ba tháng. Trong nước đá, Salmonella sống được hai đến ba tháng.

Vi khuẩn Salmonella bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2-3 tuần; hoặc hai đến ba tháng ở 2-20% người nhiễm.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella

Bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím.

Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.

Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.

Khi trong nhà có người bệnh cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo tập quán đi tiêu đúng nơi quy định, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng.