Chờ...

Vì một trái tim khỏe, hãy kiểm tra cholesterol của cơ thể ngay từ tuổi 25

 (VOH) - Theo các nhà nghiên cứu, chúng ta cần tập thói quen thường xuyên kiểm tra nồng độ cholesterol trong máu khi bước qua tuổi 20 và đặc biệt là sau ngưỡng 25 tuổi.

Đây được xem là cách hữu ích để tầm soát khả năng mắc các bệnh về tim và đột quỵ của cơ thể bạn. Nghiên cứu này, được đăng tải trên tạp chí khoa học The Lancet, khẳng định đây cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để kiểm tra các rủi ro đối với sức khỏe trong thời gian dài – khi cơ thể đã tích tụ lượng cholesterol hàng chục năm trời.

Một số người quan tâm đến sức khỏe và thực hiện kiểm tra sớm hơn, đồng thời có chế độ ăn giảm cholesterol xấu thì điều đó là quá tuyệt vời. Còn nếu không, ít nhất đến năm 25 tuổi hãy tập kiểm tra thường xuyên nồng độ cholesterol của cơ thể nhé.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một thành phần của lipid máu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể. Cholesterol là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, cũng như trong việc sản xuất một số loại hormone, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.

Cholesterol được hình thành từ 2 nguồn là từ trong cơ thể tổng hợp hoặc từ thức ăn. Khoảng 75% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể, phần còn lại là từ thức ăn. Các loại thực phẩm có chứa cholesterol đều là các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phù tạng động vật.

Cholesterol có hai loại chính: LDL - Cholesterol “xấu” và HDL - Cholesterol “tốt’.

HDL - Cholesterol chiếm khoảng 25 – 30% hàm lượng cholesterol có trong máu. HDL – Cholesterol đóng vai trò vận chuyển cholesterol từ máu đi về gan, đồng thời cũng đưa cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa động mạch, hạn chế gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm, vì vậy được gọi là cholesterol “tốt”.

LDL - Cholesterol đóng vai trò vận chuyển hầu hết cholesterol trong cơ thể. Nếu hàm lượng cholesterol này tăng nhiều trong máu thì có nguy cơ xuất hiện hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và phổi) gây xơ vữa động mạch, chính vì vậy LDL – cholesterol được gọi là cholesterol “xấu”. Các mảng xơ vữa này dần dần có thể gây hẹp hay tắc mạch máu, thậm chí có thể vỡ mạch máu đột ngột, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm ra được tỷ lệ con người mắc các bệnh như đau tim hoặc đột quỵ từ độ tuổi 35 trở đi, phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể và người đó có bao gồm các yếu tố nguy cơ hay không như hút thuốc, tiểu đường, chiều cao, cân nặng và huyết áp.

Vì một trái tim khỏe, hãy kiểm tra cholesterol của cơ thể ngay từ tuổi 25

Cholesterol tốt (màu xanh) được vận chuyển về gan và cholesterol xấu (màu vàng) tích tụ lại ở thành động mạch gây nhiều nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ảnh: Internet

Giáo sư Stefan Blankenberg từ Trung tâm Tim mạch thuộc đại học Hamburg cho biết: “Các điểm đánh giá của công trình nghiên cứu này còn giúp xác định xem một người có nên sử dụng phương pháp làm hạ thấp nồng độ lipid trong máu hay không, vì đây là phương pháp chỉ dùng để tầm soát các bệnh tim mạch trong vòng 10 năm. Nếu sử dụng thì họ có thể sẽ trở nên chủ quan và đánh giá thấp mức độ rủi ro của bệnh trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, đặc biệt với những người trẻ tuổi.”

Hiện nay trên thế giới đã có hàng triệu người sử dụng statin – một loại thuốc dùng để loại bỏ lượng cholesterol xấu trong máu. Statin hoạt động theo cơ chế giảm lượng mảng bám cholesterol hình thành ở thành động mạch. Đơn cử như ở Anh đã có đến 8 triệu người phải dùng đến statin và các loại thuốc có chứa statin để điều trị.

Vì một trái tim khỏe, hãy kiểm tra cholesterol của cơ thể ngay từ tuổi 25

Các loại thuốc có chứa statin được xem là một trong những cách giúp làm giảm cholesterol xấu, tuy nhiên được khuyến cáo không nên lạm dụng. Ảnh: Internet

Ngoài ra, theo khảo sát, cứ mỗi 50 người thì chỉ có 1 người có thể tránh được các cơn đau tim bất chợt và đột quỵ, và đó là người thực hiện khám sức khỏe định kỳ ít nhất 5 năm/lần và kiểm tra thường xuyên nồng độ cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, một lối sống năng động và chế độ ăn lành mạnh cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu những nguy cơ từ nhóm cholesterol xấu.

Có nên sử dụng thuốc giảm cholesterol xấu ở độ tuổi 30?

Câu trả lời mà các nhà khoa học dành cho bạn sẽ là không, vì chúng không cần thiết.

Giáo sư Blankenberg cho biết: “Tôi thật sự khuyến cáo các bạn trẻ nếu biết mức cholesterol của mình đang ở mức cao hãy cân nhắc kỹ về các phương pháp điều trị và không nên lạm dụng statin. Việc sử dụng statin sẽ không đem lại hiệu quả triệt để bằng một lối sống khỏe mạnh. Mặc dùng statin được xem là loại thuốc dung nạp tốt với cơ thể, có hiệu quả trong việc loại bỏ và ức chế các cholesterol xấu, song cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về các ảnh hưởng phụ tiềm tang của loại thuốc này lên cơ thể - đặc biệt khi bạn sử dụng chúng trong thời gian dài.”

Cho đến nay, phương pháp điều trị tăng cholesterol xấu và bệnh tim mạch đã được cải thiện đáng kể. Y học và giáo dục đã làm giảm đáng kể số người tử vong do bệnh tim mạch và các biến chứng khác. Tuy nhiên, tăng cholesterol vẫn là một vấn đề lớn tại các nước do lối sống tĩnh lại, ít hoạt động và ít sự lựa chọn thực phẩm. Thay đổi tích cực lối sống của bạn, bao gồm ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn, có thể giúp bạn sống lâu và khỏe mạnh.