Virus Sars-Cov-2 có lây qua đồ ăn ?

(VOH) – Cho đến nay vẫn có không ít người lo lắng không biết virus SARS-CoV-2 có lây qua thực phẩm hay các tiếp xúc qua da ở cơ thể.

Nếu người giao thực phẩm, phục vụ quán ăn mắc COVID-19 thì có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm và hàng hóa hay không?

SARS CoV 2
Hình đồ họa về virus SARS-CoV-2

SARS-CoV-2 chỉ lây lan khi đến được đường hô hấp mũi, mắt, miệng của người

Đến nay người ta đã rõ, virus SARS-CoV-2 lây truyền chính là qua đường hô hấp qua các giọt bắn từ người nhiễm bệnh khi họ nói chuyện, hắt hơi, ho… Tuy nhiên, SARS-CoV-2 cũng có lây truyền qua tiếp xúc qua tay, cơ thể người với điều kiện virus phải đến được mũi, mắt, miệng là những nơi virus có thể bám vào.

Hiện tại không có bằng chứng nào về việc con người bị nhiễm virus qua sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm cũng như qua tiếp xúc trực tiếp qua da với các đồ vật hoặc bề mặt có virus.

Mặc dù vật liệu di truyền COVID-19 (RNA) đã được phân lập từ mẫu phân của bệnh nhân mắc bệnh, nhưng không có báo cáo hay bất kỳ bằng chứng nào về lây truyền qua đường phân người. Do đó, rửa tay sau khi đi vệ sinh luôn là một thực hành thiết yếu đặc biệt là khi làm việc với thực phẩm.

SARS-CoV-2 tồn tại bao nhiêu lâu trên đồ vật, thức ăn?

Sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong môi trường phụ thuộc vào một số yếu tố, như nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ pH trên bề mặt… SARS-CoV-2 không ổn định trên bề mặt khô, nó sẽ ngừng hoạt động từ vài giờ đến vài ngày.

Cho đến nay chưa có bằng chứng về việc các vi rút gây ra các bệnh về đường hô hấp được truyền qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Vi rút Corona không thể nhân lên trong thức ăn. Rất khó có khả năng để có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm.

COVID-19 là một bệnh về đường hô hấp và đường lây truyền chính là qua tiếp xúc giữa người với người và qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt hô hấp được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus SARS-CoV-2 cần một động vật hoặc vật chủ của con người để nhân số lượng lên.

Nghiên cứu gần đây đã đánh giá sự sống sót của virus COVID-19 trên các bề mặt khác nhau và cho biết virus có thể tồn tại đến 72 giờ trên nhựa và thép không gỉ, tối đa bốn giờ trên đồng và lên đến 24 giờ trên bìa các - tông. Nghiên cứu này được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm (kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ tương đối) và cần được giải thích thận trọng trong môi trường thực tế.

Một nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 có thể tồn tại đến 28 ngày ở 20°C trên các bề mặt khác nhau như thủy tinh, thép không gỉ và giấy.

Dữ liệu từ một nghiên cứu đã được công bố khác chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 vẫn có thể lây nhiễm trên bề mặt kim loại trong vài ngày ngay cả ở nhiệt độ cao hơn (30 độ  C). Tuy nhiên, làm khô bề mặt trong vòng một giờ dẫn đến giảm đáng kể khả năng lây nhiễm (giảm 100 lần).

SARS-CoV-2 rất khó lây lan qua thực phẩm

Trong hướng dẫn của các tổ chức: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm hay Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho biết, không có bằng chứng cho thấy con người bị mắc COVID-19 từ thực phẩm, không thấy có bằng chứng dịch tễ học cho thấy thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm là nguồn lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sang người.

Các cơ quan này chỉ khuyến cáo mọi người rửa tay trước khi ăn và các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bảo đảm các biện pháp vệ sinh.

Ngành công nghiệp thực phẩm cần thực hiện các biện pháp vệ sinh và khử trùng, giữ khoảng cách an toàn và thúc đẩy rửa tay và vệ sinh thường xuyên và đúng cách ở mỗi giai đoạn chế biến, sản xuất và tiếp thị thực phẩm. Các biện pháp này sẽ bảo vệ nhân viên khỏi lây lan COVID-19 trong số các công nhân và phát hiện loại trừ những người xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh và các vật/người tiếp xúc của họ khỏi nơi làm việc.

Như vây, lý thuyết cũng như thực tế cho thấy SARS-CoV-2 rất khó lây lan qua thực phẩm, kể cả thực phẩm bị nhiễm virus này khi ăn phải

“Nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19, khẩu hiệu 5K đã nêu rất rõ ràng việc đeo khẩu trang ở nơi đông người và thường xuyên khử khuẩn tay... Đây là những biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả, nhất là với tình huống này.

Virus có thể bám vào các dụng cụ, các bao gói thực phẩm, bề mặt rau củ quả… nhưng khả năng lây nhiễm là không nhiều nếu người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Còn thực phẩm khi nấu chín sẽ không bao giờ là yếu tố lây nhiễm dịch.