Website bac-si-giai-dap.com: Kênh chính thống cung cấp mọi thông tin về căn bệnh hen suyễn và COPD

(VOH) - Theo WHO, bệnh hen suyễn và phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, tuy nhiên, nhiều người vẫn coi nhẹ sự nguy hiểm của những căn bệnh này.

Căn bệnh hô hấp khiến 3 triệu người chết mỗi năm

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện trên thế giới có khoảng 339 triệu người mắc bệnh hen suyễn, 251 triệu người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Đây là những nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba thế giới và gây ra khoảng 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Theo GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn sinh lý lâm sàng Khoa lồng ngực của Bệnh Viện Cochin (Paris, Pháp), nguyên nhân gây ra căn bệnh này do lối sống (hút thuốc), không khí ô nhiễm và thực phẩm. Với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, đa phần họ bỏ qua do nhầm tưởng là ho bình thường, không khám và điều trị. Khi bệnh nhân có triệu chứng nặng mới đi khám khiến bệnh khó xử lý và chi phí điều trị tăng lên rất nhiều.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, việc điều trị bệnh hen suyễn và COPD về cơ bản là điều trị dự phòng vì cần phải liên tục ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn bằng cách giữ cho người bệnh trạng thái lâm sàng ổn định, thường xuyên trong thời gian dài nhất có thể.

PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM chia sẻ, hiện nay việc điều trị bệnh hen khá bất cập. Do kiến thức của người bệnh không đầy đủ nên khả năng tuân thủ phác đồ điều trị rất kém. Khoảng 90% người bệnh sử dụng thuốc giảm triệu chứng ngay tức thì và sau đó không điều trị nữa; trong khi đó gần 40% bệnh nhân tin rằng khi sức khỏe cải thiện hơn thì không sử dụng thuốc điều trị mỗi ngày.

PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc
PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc chia sẻ thông tin về bệnh hen suyễn và COPD (Ảnh: LH)

Trong khi đó trên thực tế, hen suyễn là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh cần điều trị lâu dài để kiểm soát cơn hen, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng gây ra nhiều biến chứng khác nhau, làm suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh.

Đối với căn bệnh COPD - thường gặp ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và có tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi - số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam tần suất mắc bệnh này cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Năm 2015, tỷ lệ người nhiễm bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là 9,4% dân số.

Gánh nặng chi phí điều trị bệnh COPD cũng tăng cao tùy theo mức độ bệnh. Bác sĩ Ngọc thông tin, một đợt điều trị cho bệnh nhân COPD nhẹ tốn khoảng 416.000 đồng/7 ngày; bệnh nhân mắc bệnh ở mức trung bình điều trị ngoại trú tốn khoảng gần 1,9 triệu đồng/7 ngày và nội trú sẽ tốn gấp gần 10 lần, khoảng hơn 17 triệu đồng/7 ngày. Đối với các bệnh nhân mắc COPD nặng, chi phí điều trị có thể lên tới 60 – 90 triệu đồng/15 ngày. Đó là chưa kể đến các chi phí khác của người thân chăm sóc trong thời gian dài.

Do đó, việc hiểu, hiểu đủ, hiểu chính xác về căn bệnh này để phòng ngừa và điều trị đúng phác đồ là vô cùng cần thiết, giúp chăm sóc sức khỏe bệnh nhân một cách tốt nhất và giảm tối đa chi phí điều trị.

Xây dựng kênh thông tin phù hợp với bệnh nhân COPD và hen suyễn

Nhằm cung cấp thông tin cụ thể và hữu ích về các bệnh đường hô hấp như hen suyễn, COPD, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm y tế Pháp đã khởi động sáng kiến hợp tác giữa các bác sĩ Pháp và Việt Nam mang tên "Bác sĩ giải đáp".

Theo đó, website bac-si-giai-dap.com là giai đoạn đầu tiên trong dự án này, nhằm thông tin toàn diện, sát thực tế về hai căn bệnh hen suyễn và COPD, giúp người dân và những bệnh nhân nhận biết được bệnh, tránh các yếu tố nguy cơ, giúp tự chẩn đoán sớm để có thể được điều trị đúng đắn và tiết kiệm chi phí; tránh làm trầm trọng các triệu chứng bệnh dẫn đến biến chứng và phải nhập viện.

Theo PGS. TS. BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, khảo sát cho thấy, chỉ có 4,3% số người được hỏi biết về căn bệnh COPD, hen suyễn; nhiều người không biết điều trị suyễn là ngừa cơn, nếu đợt lên cơn mới cắt cơn thì có thể chết do suyễn; thậm chí không ít bệnh nhân còn chưa biết sử dụng bình xịt, thuốc xịt hen suyễn đúng cách… Vì vậy, thông qua website bac-si-giai-dap.com, người dân có thể tham khảo thông tin chính thống về các căn bệnh này, cách xử trí, điều trị phù hợp, đồng thời có thể gửi những câu hỏi trực tiếp trên website để hội đồng y khoa tư vấn trả lời.

PGS. TS. BS Lê Thị Tuyết Lan
PGS. TS. BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM

TS Thomas Mourez - Tùy viên hợp tác y tế và phát triển xã hội, thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, website cung cấp thông tin về bệnh hen và COPD này là phi thương mại, tập hợp các chuyên gia y tế tham gia vào việc chăm sóc các bệnh nhân mãn tính. Mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ và giúp bệnh nhân có các thông tin rõ ràng, chính xác và dễ tiếp cận.

Dự kiến trong năm 2021, website bac-si-giai-dap.com sẽ bổ sung thêm nhiều chức năng như bảng câu hỏi về triệu chứng và nguy cơ, giúp bệnh nhân chẩn đoán nhanh hơn. Website hiện cung cấp thông tin bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và Anh. Nếu phát triển thành công tại Việt Nam, dự án sẽ dịch sang các ngôn ngữ khác để hỗ trợ chống lại các bệnh hô hấp mãn tính tại Indonesia và Philippines.

Website bac-si-giai-dap.com được hỗ trợ thông tin bởi hội đồng y khoa là các chuyên gia đầu ngành về hô hấp như GS. TS. BS Đinh Xuân Anh Tuấn (giáo sư y học và sinh lý học hô hấp Đại học Paris); PGS. TS. BS Lê Thị Tuyết Lan (Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM), PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc (Phó trưởng khoa Y – Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM), GS Marc Humbert (Giáo sư chuyên khoa Hô hấp của Đại học Paris-Saclay tại Pháp,Trưởng khoa Hô hấp và Chăm sóc tích cực, Trung tâm Tham vấn Tăng áp Phổi và Phòng khám Hen Nặng, Bệnh viện Bicêtre, Paris, Pháp), GS.BS Nicolas Roche (Giáo sư Y học Hô hấp tại Đại học Paris Descartes. Khoa Hô hấp và Chăm sóc tích cực, hệ thống bệnh viện Cochin-Hôtel-Dieu tại Pháp)…