WHO hết vắc xin phòng bệnh tả

(VOH) - Kho dự trữ vắc xin tả toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện "hết sạch hoặc còn không đáng kể" trong bối cảnh bệnh tả đang bùng phát trở lại ở nhiều nơi.

Bác sĩ Philippe Barboza, trưởng nhóm nghiên cứu dịch tả và bệnh tiêu chảy của WHO, cho biết: "Tất cả các loại vắc xin tả trong kho dự trữ do nhóm điều phối quốc tế về cung cấp vắc xin do WHO và các đối tác khác quản lý đều đã được phân bổ. Bây giờ chúng tôi phải đợi lô tiếp theo đang được sản xuất để phân phối tiếp".

Tháng 11/2022, chuyên gia của WHO xác nhận số ca mắc bệnh tả đã tăng vọt trên toàn thế giới trong năm 2022 buộc các cơ quan y tế phải đối phó với nhu cầu vắc xin gia tăng. Số ca bệnh tăng nhanh khiến lần đầu tiên các cơ quan y tế phải đưa ra quyết định khó khăn trong việc phân chia vắc xin do thiếu hụt vắc xin.

vắc xin tả
Số ca bệnh tăng nhanh khiến lần đầu tiên các cơ quan y tế phải đưa ra quyết định khó khăn trong việc phân chia vắc xin cho từng quốc gia (Ảnh: premiumtimesng)

Dịch tả được báo cáo gia tăng từ vùng Caribbean đến châu Phi, khắp Trung Đông, Nam Á và được đánh giá là rất nghiêm trọng ở Haiti, Malawi, Lebanon và Syria,

Theo IFL Science, bệnh tả bùng phát không chỉ ở những quốc gia nơi căn bệnh này thường xuyên hiện diện mà còn xuất hiện những nơi không ghi nhận bệnh này trong nhiều thập kỷ.

Nhóm điều phối quốc tế của WHO, cơ quan quản lý nguồn cung vắc xin khẩn cấp, thông báo hồi tháng 10 về việc tạm ngừng tiêm hai liều tiêu chuẩn vắc xin tả mà chỉ tiêm một liều duy nhất. Hiện tại WHO chỉ đang cố gắng ngăn chặn tỉ lệ tử vong chứ không thể ngăn chặn dịch bệnh.

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở ruột non do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae tiết ra độc tố gây tiêu chảy, dẫn đến mất nước, thiểu niệu và trụy tuần hoàn. Sự lây nhiễm thường qua nước bị ô nhiễm hoặc động vật có vỏ. Chẩn đoán bằng nuôi cấy hoặc huyết thanh học.

Tỷ lệ mắc bệnh dịch tả cao nhất ở trẻ em. Ở những khu vực mới bị ảnh hưởng, dịch bệnh có thể xảy ra trong bất kỳ mùa nào và mọi lứa tuổi đều dễ bị tổn thương.

Chỉ có rất ít đơn vị sản xuất vắc xin tả vì yếu tố lợi nhuận không hấp dẫn họ do giá vắc xin tả rất rẻ, chỉ khoảng 1,50 USD/liều.