Chờ...

Thêm 4 quốc gia triển khai tiêm phòng đại trà vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái

(VOH) - Theo WHO, Albania, Kyrgyzstan, Montenegro và Serbia là các quốc gia tiếp theo vừa triển khai tiêm phòng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái trên toàn quốc.

WHO cho biết, Albania, Kyrgyzstan, Montenegro và Serbia là các quốc gia mới nhất triển khai tiêm phòng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái trên toàn quốc.

Trong những năm qua, căn bệnh này trở thành gánh nặng của cả 4 quốc gia trên. Tại Albania, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Montenegro có tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung theo độ tuổi cao nhất (26,2 trên 100.000 phụ nữ) trong số các quốc gia trong khu vực.

Serbia có tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao thứ ba (18,7 trên 100.000 phụ nữ). Kyrgyzstan cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao (15,1 trên 100.000 phụ nữ) và tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung thuộc hàng cao nhất trong khu vực (8,67 trường hợp tử vong trên 100.000 dân).

Xem thêm: Mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt Nam tử vong do ung thư cổ tử cung

vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung
Việc tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung cho thanh thiếu niên nhằm chống lại virus gây u nhú ở người (Ảnh: Healthline)

Nhiễm HPV là nguyên nhân cơ bản gây ra ung thư cổ tử cung - loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu. 90% trong số những phụ nữ này sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Mỗi năm ở Khu vực Châu Âu, hơn 66.000 phụ nữ mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung và hơn 30.000 người chết vì căn bệnh này.

Việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung tốt nhất là tiêm chủng cho trẻ em gái lứa tuổi từ 9–14 tuổi.

WHO kêu gọi tất cả các quốc gia tiêm phòng rộng rãi vắc xin HPV để bảo vệ nhiều trẻ em gái và phụ nữ hơn khỏi căn bệnh ung thư cổ tử cung và tất cả các hậu quả của nó trong suốt cuộc đời của họ. 

Trên thế giới hiện đã có 53 quốc gia triển khai tiêm ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái – theo hình thức đại trà. Đại diện WHO khu vực châu Âu cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong việc loại bỏ ung thư cổ tử cung thông qua việc tiêm chủng vắc xin HPV phổ cập và bình đẳng, tầm soát ung thư cổ tử cung thích hợp, chẩn đoán kịp thời, điều trị chất lượng và chăm sóc giảm nhẹ cho tất cả phụ nữ”.

Tháng 8/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030.

Chính phủ đồng ý lộ trình đưa vắc xin phòng bệnh do virus rota từ năm 2022, vắc xin phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc xin phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030 vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước trong việc này, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý cho phép các tỉnh, thành có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi để tiêm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 - 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.