Sỏi có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiểu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo nam giới (niệu đạo nữ giới rất ngắn nên không tạo sỏi).
1. Sỏi thận là gì ?
Sỏi thận hay sạn thận, sỏi đường tiết niệu được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi thận. Đây là bệnh đường tiết niệu thường gặp nhất.
Nếu sỏi thận nhỏ có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu, nhưng nếu sỏi lớn, viên sỏi di chuyển cọ xát vào đường tiểu có thể gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu.
Sỏi thận được hình thành do lượng nước tiểu quá ít? (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận
Thông thường nguyên nhân sỏi thận do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp để tạo ra bệnh. Có thể kể các nguyên nhân như:
- Do sự lắng đọng hay cung cấp nước không đủ, đặc biệt với những người làm việc nặng nhọc, quên uống nước nhưng lúc uống thì lại uống quá nhiều.
- Do sự dị dạng của đường tiểu khiến cho nước tiểu không thể thoát ra ngoài được mà tích trữ đọng lại, lâu dần tạo thành sỏi thận.
- Những người bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe lẽ.
- Bị chấn thương nặng và không đi lại được phải nằm một chỗ cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận.
- Bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục, do không vệ sinh thường xuyên nên vi trùng có cơ hội xâm nhập gây tình trạng viêm đường tiết niệu. Về lâu sẽ tạo ra mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, hình thành nên sỏi thận.
- Thường xuyên có chế độ ăn uống không hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi thận
Sỏi thận thường hình thành và diễn biến âm thầm, chỉ khi sỏi rất to, bắt đầu gây tổn thương đến thận và đường dẫn niệu mới có các triệu chứng dữ dội.
Để nhận biết triệu chứng sỏi thận, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu như:
Bệnh nhân sỏi thận thường bị từ mặt bụng đến lưng (Nguồn: Internet)
- Bị đau ở vùng lưng, háng hay dưới xương sườn.
- Bị đau từ mặt bụng ra lưng và từ bụng đến háng.
- Cảm giác đau khi đi tiểu.
- Nước tiểu có màu đục và có mùi hôi hay hòa lẫn máu.
- Đi tiểu liên tục.
- Thường xuyên bị sốt và có cảm giác ớn lạnh.
Đối với một số người, sỏi thận sẽ làm cho đường tiết niệu bị kích thích dẫn đến co thắt, bóp chặt hòn sỏi làm cho đường tiết niệu bị tắc nghẽn. Hậu quả là nước tiểu không được đào thải ra bên ngoài mà ứ đọng lại gây nên các áp lực đột ngột ở vị trí đài và bể thận gây ra những cơn đau quặn, đây cũng là nguyên nhân gây thận ứ nước.
4. Các loại sỏi thận thường gặp
4.1 Sỏi calci
Loại sỏi này chiếm 90% các trường hợp mắc phải, thường do nước tiểu quá bão hòa muối calci. Có thể do thiếu hoặc giảm citrat niệu. Citrat có tác dụng ức chế kết tinh các muối calci. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, citrat niệu thường giảm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo sỏi.
4.2 Sỏi acid uric
Do tăng acid uric máu gây nước tiểu quá bão hòa acid uric và tạo sỏi.
4.3 Sỏi struvit
Nguồn gốc là nhiễm khuẩn tiết niệu.
4.4 Sỏi oxalat
Nguồn gốc có thể do di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường gây loạn dưỡng oxalat. Tăng oxalat niệu tạo điều kiện tọ sỏi oxalat calci ngậm 1 phân tử nước. Sỏi oxalat phối hợp hằng định với lắng đọng calci.
4.5 Sỏi cystin
Do rối loạn vận chuyển cystin ở ống thận và ở niêm mạc ruột, nguyên nhân do di truyền gen lặn nằm trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể thứ 14.
5. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận
Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận nếu:
- Có người trong gia đình bị bệnh sỏi thận.
- Ăn quá nhiều muối hoặc đường.
- Béo phì.
- Viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể làm thay đổi quá trình tiêu hóa, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi và nước.
- Mắc một số bệnh lý như nhiễm toan ống thận, cường cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu và sử dụng một số loại thuốc điều trị nhất định.
6. Phương pháp điều trị bệnh sỏi thận
Tùy vào kích thước sỏi mà có phương pháp điều trị khác nhau (Nguồn: Internet)
Điều trị bệnh sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước và số lượng, vị trí của những viên sỏi thận.
Nếu sỏi thận nhỏ, người bệnh có thể điều trị bằng cách uống nhiều nước để cơ thể tự thải ra ngoài. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc giúp giảm đau và thuốc kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu sỏi to không thể tự thải ra ngoài, bạn phải đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành thăm khám và áp dụng các phương pháp chữa trị phù hợp. Có những phương pháp như:
- Soi niệu quản: Các bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ mỏng dài có kính quan sát để tìm sỏi. Công cụ này được đưa vào niệu đạo và bàng quang để đến niệu quản. Sau khi đã tìm thấy sỏi, các bác sĩ có thể gắp bỏ hoặc có thể phá vỡ chúng thành các phần nhỏ hơn bằng laser.
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung (ESWL): Đây là phương pháp dùng sóng xung kích để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ hơn để có thể thải ra ngoài.
- Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da: Nếu viên sỏi thận quá lớn hoặc nằm ở vị trí không thể sử dụng phương pháp ESWL, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phẫu thuật để sỏi ra.
7. Làm sao để phòng tránh bệnh sỏi thận?
Để không mắc bệnh sỏi thận bạn nên ghi nhớ một số điều sau đây:
- Uống đủ nước mỗi ngày: Lượng nước được khuyên là khoảng 2 – 3 lít mỗi ngày, tốt nhất là nước tinh khiết hoặc thảo dược.
- Ăn ít đồ ăn chứa nhiều oxalat như rau bina, hải sản, socola,…
- Giảm ăn muối và protein động vật.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung canxi.
- Tránh nằm bất động lâu và cần điều trị đúng mức các nhiễm khuẩn niệu.
- Điều trị các bệnh liên quan đến đường tiểu.
Lời khuyên: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về đường tiểu tốt nhất bạn nên đi khám để nhận được sự trợ giúp từ các bác sĩ chuyên khoa.