Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hội chứng Raynaud là gì?

(VOH) - Các triệu chứng của hội chứng Raynaud rất quen thuộc, có thể bạn đã gặp phải nhưng không hề hay biết là do hội chứng này gây ra. Vậy hội chứng Raynaud là gì và làm sao để nhận biết sớm nhất?

1. Hội chứng Raynaud là gì?

Hội chứng Raynaud được đặt theo tên của một bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud (1834 - 1881), là người đầu tiên phát hiện bệnh này vào năm 1862.

Hội chứng Raynaud là tình trạng khiến máu chảy đến ngón tay, ngón chân, tai và đầu mũi bị giảm do mạch máu bị hẹp và thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc bị stress. Da ở các vị trí trên sẽ trở nên trắng, chuyển xanh, sau đó tím đi và kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

hoi-chung-raynaud-la-gi-voh-1

Bàn tay, chân đổi màu là dấu hiệu của hội chứng Raynaud (Nguồn: Internet)

Nếu không điều trị kịp thời, bạn sẽ bắt đầu bị nhức và nổi nhọt. Nếu tuần hoàn máu quá thấp trong thời gian dài, chỗ da đó có nguy cơ bị hoại tử vĩnh viễn.

Hội chứng Raynaud được chia làm 2 loại:

  • Hội chứng Raynaud nguyên phát: Đây là dạng thường gặp, ít nghiêm trọng, không do một bệnh lý nào gây ra.
  • Hội chứng Raynaud thứ phát: Đây là dạng ít phổ biến, nhưng hay đưa đến tình trạng nghiêm trọng và thường do một bệnh lý tiềm ẩn gây ra.

2. Ai có nguy cơ mắc hội chứng Raynaud?

Hiện tượng Raynaud có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đa số bệnh nhân mắc hội chứng này có tuổi từ 20 – 40, chủ yếu là phụ nữ trẻ, hiếm gặp ở nam giới.

Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân, nhưng hội chứng Raynaud thứ phát có thể do:

  • Bệnh lý: Biến chứng của các bệnh lý như bệnh xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, lupus,…gây ra.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, ergotamine, methylsergid... khi sử dụng một thời gian dài có tác dụng phụ gây ra hội chứng Raynaud.
  • Chấn thương: Gãy tay hay chân…
  • Lối sống: Hút thuốc lá nhiều làm co các mạch máu gây ra hội chứng Raynaud.

3. Triệu chứng hội chứng Raynaud

Biểu hiện điển hình của hội chứng Raynaud diễn ra qua 3 giai đoạn thay đổi màu sắc da, bao gồm:

  • Đầu tiên, da trở nên tái nhợt (màu trắng) do mạch máu bị co lại.
  • Giai đoạn sau chuyển thành màu xanh tím do hiện tượng khử oxy, thiếu oxy.
  • Giai đoạn cuối cùng, các mạch máu giãn ra và da trở nên đỏ hồng trở lại.

Tuy nhiên, các giai đoạn này nhiều khi xuất hiện không điển hình, có thể chỉ thấy giai đoạn 1 và 2.

Raynaud tiến triển từng đợt, kéo dài dẫn tới hiện tượng thiếu máu cục bộ làm tổn hại vùng mô do mạch máu chi phối. Hiện tượng xơ chai hoặc nặng hơn là hoại tử đầu các ngón có thể xuất hiện nếu tình trạng thiếu máu lâu dài và nghiêm trọng, thường gặp trong Raynaud thứ phát.

Khi có dấu hiệu hội chứng Raynaud nặng hoặc vùng da có hiện tượng Raynaud bị nhức hay nhiễm trùng thì nên đi khám ngay để có phương pháp điều trị kịp thời.

4. Điều trị hội chứng Raynaud

hoi-chung-raynaud-la-gi-voh-2

Điều trị hội chứng Raynaud sớm để tránh biến chứng nhức và nổi nhọt (Nguồn: Internet)

Điều trị hội chứng Raynaud chủ yếu bằng thuốc. Việc sử dụng thuốc điều trị phụ thuộc vào tần suất, thời gian, mức độ nghiêm trọng của hội chứng Raynaud.

Các thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud là những thuốc có tính chất giãn mạch, giúp tăng cường sự lưu thông máu, làm ngưng sự co thắt các mạch máu nhỏ ở ngoại biên.

Dưới đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud:

  • Nhóm thuốc đối kháng canxi.
  • Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II.
  • Nhóm thuốc chẹn alpha.
  • Nhóm thuốc nitrat.
  • Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5 (PDE-5).
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm.

Một số lưu ý khi điều trị hội chứng Raynaud:

  • Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, phù…
  • Không sử dụng các thuốc trên cho người mắc bệnh huyết áp thấp hay đang bị thiếu máu nghiêm trọng, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú…
  • Không được sử dụng đồng thời nhóm thuốc nitrat với nhóm thuốc ức chế enzym PDE-5 vì gây ra tác hại nguy hiểm trên tim.
  • Các thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud là những thuốc kê đơn và có nhiều tác dụng phụ, nên phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc, hạn chế cà phê, giữ ấm cơ thể, chăm sóc tốt ngón tay, ngón chân, tránh căng thẳng, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa và điều trị hội chứng Raynaud.

Bình luận