1. Loãng xương là gì?
Loãng xương xảy ra khi xương mất dần canxi, khiến xương bị xốp, yếu và trở nên giòn và dễ gãy hơn. Nhiều người thường chủ quan với bệnh loãng xương do bệnh tiến triển chậm theo thời gian, tuổi tác. Đến khi cảm thấy đau, nhức trong xương mới đi khám và dùng thuốc điều trị. Điều trị loãng xương ở giai đoạn nặng thì khả năng phục hồi cho hệ xương trong cơ thể sẽ không cao.
Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già, do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương chắc khỏe như ở tuổi trưởng thành.
Hình ảnh loãng xương (Nguồn: Internet)
2. Vì sao bị loãng xương?
Khi con người bước qua tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, các nội tiết tố giảm, quá trình tạo xương không còn sung mãn như trước, đồng thời quá trình hủy xương tăng lên và lấn lướt làm cho xương bị mất đi, khiến chúng trở nên xốp hơn.
Thành phần chính tạo nên độ vững chắc cho xương là canxi. Khi còn trẻ, cơ thể sử dụng canxi để tạo ra xương mới. Nhưng khi lớn tuổi, lượng canxi trong máu không đủ, canxi sẽ bị lấy từ xương ra để chuyển đến phục vụ cho hoạt động ở các cơ quan trọng yếu khác của cơ thể, từ đó làm cho xương suy yếu.
Ngoài vấn đề tuổi tác, còn nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác làm tăng quá trình hủy xương như:
- Chế độ ăn uống quá ít canxi, ít đạm, ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, nghiện rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
- Sử dụng thuốc corticosteroid (ví dụ như dexa) hàng ngày trong thời gian hơn 3 tháng.
- Nằm bất động trên giường quá lâu.
- Mắc các bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
- Bị bệnh thận mạn tính dẫn tới tăng đào thải canxi, bệnh đường tiêu hóa mạn tính gây giảm hấp thu canxi và vitamin D.
- Người quá nhẹ cân, lúc nhỏ bị còi xương, suy dinh dưỡng.
3. Bị loãng xương uống thuốc gì?
Bệnh nhân loãng xương cần sử dụng thuốc để ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương và kích thích hoạt động của các tế bào sinh xương theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc điều trị loãng xương thông qua việc ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, hiệu quả, an toàn và dễ sử dụng.
Bên cạnh đó, người bị loãng xương có thể dùng thêm thuốc giảm đau hoặc tiêm bắp cho các trường hợp đau nặng sau gãy xương, thuốc này vừa có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do loãng.
Tuy nhiên để có kết quả, việc điều trị loãng xương cần toàn diện, liên tục và lâu dài. Kết quả điều trị thường được đánh giá sau 2 năm, chi phí cho điều trị thường khá cao so với mức sống hiện nay của đa số người dân lao động.
Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị loãng xương thì người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý để điều trị loãng xương hiệu quả và nhanh chóng hơn.
4. Bệnh loãng xương nên ăn gì?
Nếu bị loãng xương, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm sau đây:
4.1 Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa (như bơ, pho mát,…) là nhóm thực phẩm lý tưởng để bổ sung canxi và protid. Lượng sữa cần thiết mỗi ngày từ 500 đến 1000ml (có thể là sữa tươi, sữa chua hoặc sữa pha từ các loại bột sữa).
Sữa và các sản phẩm từ sữa giúp bổ sung canxi cho xương chắc khỏe (Nguồn: Internet)
4.2 Sữa và các chế phẩm từ đậu nành
Sữa và các chế phẩm từ đậu nành là nguồn bổ sung canxi, vitamin D và protid dồi dào rất tốt để duy trì hoạt động và tăng cường hệ xương khớp, ngăn chặn tình trạng bị loãng xương. Trong đậu nành còn chứa isoflavones – hormon thực vật là thành phần quan trọng cấu tạo xương và ngăn chặn quá trình lão hóa. Do vậy khi bị loãng xương bạn có thể thường xuyên uống sữa mỗi ngày, những người bình thường cũng nên uống sữa và ăn đậu nành để phòng ngừa loãng xương.
4.3 Xương ống động vật
Trong xương ống có chứa nhiều canxi và nhiều khoáng chất khác như photpho, nguyên tố vi lượng (sắt, kiềm, đồng, niken…), muối khoáng,… Các chất này đều rất quan trọng việc bảo vệ và tăng cường hệ xương khớp, phòng chống loãng xương. Các loại xương động vật như xương ống lợn, bò, gà nên thường xuyên ăn sẽ rất tốt cho xương.
4.4 Hải sản
Tôm, cua, cá, ốc là những loại thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng như canxi, photpho, các muối khoáng, protein,…giúp tăng cường và nuôi dưỡng hệ xương khỏe mạnh.
4.5 Các loại rau chứa vitamin K
Các loại thực phẩm như chuối, bắp cải, khoai tây, rau cải, ngũ cốc … chứa nhiều vitamin K rất tốt giúp tăng mật độ xương và ngăn ngừa sự rạn xương hông. Người bệnh nên thường xuyên bổ sung kết hợp với vận động hợp lý sẽ rất có lợi để phòng chống loãng xương.
Lưu ý: Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, người bị loãng xương cũng cần chú ý vận động hợp lý, tránh ngồi lâu một chỗ, tránh làm việc nặng và hoạt động nhiều để phòng ngừa té ngã, dẫn đến gãy xương.