Nhận biết triệu chứng bệnh viêm đau dạ dày cấp như thế nào?

(VOH) - Bệnh đau dạ dày cấp thường gặp ở những người thức đêm thường xuyên, sử dụng nhiều rượu bia, ăn thực phẩm chứa chất kích thích như thực phẩm cay, nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thuốc lá.

Bệnh viêm đau dạ dày cấp cũng có nguyên nhân từ việc lạm dụng thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc trị đau nhức khớp.

Hầu hết các thuốc này khiến "tấm khiên" của dạ dày là prostagladine bị giảm khiến bao tử mong manh, dễ viêm loét.

Thực tế, còn nhiều yếu tố gây ra bệnh viêm loét dạ dày như: ăn uống không điều độ, căng thẳng, stress.. Những thói quen gây hại này lặp đi lặp lại tất yếu dẫn đến đau bao tử (viêm loét dạ dày cấp và mạn tính).

>>>> 7 thứ mà người mắc bệnh viêm loét dạ dày kinh niên phải kiêng !

Bệnh viêm đau dạ dày cấp, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nếu không chữa trị kịp thời, viêm dạ dày cấp dễ khiến bệnh nhân gặp những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

* Các triệu chứng bệnh viêm đau dạ dày cấp thường gặp

1. Đau khu vực thượng vị

Đau vùng thượng vị là triệu chứng phổ biến nhất của đau dạ dày cấp. Đặc trưng là những cơn đau thượng vị dữ dội và hơi nóng lan đến tận cổ họng. Người bệnh có thể đau ở vùng dưới hoặc xa vùng ức.  

2. Chán ăn, ăn không ngon, mệt mỏi

Viêm dạ dày cấp khiến dịch vị axit tiết ra quá mức so với lượng cần thiết. Điều này dẫn đến hiện tượng căng tức và chướng bụng, từ đó người bệnh viêm đau dạ dày cấp không thèm ăn, ăn không ngon, lâu dần cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

3. Nôn, ói thường xuyên

Nếu thường xuyên buồn nôn và nôn thì bạn nên nghi ngờ nguy cơ bệnh đau dạ dày cấp rất cao. Lý do là khi ói, thức ăn trong bao tử trào ngược dẫn đến rách thực quản, niêm mạc thực quản khiến xuất hiện hiện tượng chảy máu.

Tình hình này kéo dài khiến người bệnh suy kiệt, mất nước.

Nôn, ói thường xuyên là biểu hiện của bao tử có vấn đề như khả năng viêm dạ dày cấp, loét tá tràng, ung thư bao tử...

4. Chảy máu bao tử

Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn khi đi vào dạ dày sẽ tiếp xúc với vết loét trên bề mặt niêm mạc. Nếu là thức ăn thô, cứng sẽ dễ gây chảy máu tại vết loét từ đó bệnh nhân bị ói ra máu hoặc đi ngoài phân sẽ lẫn máu.

Hiện tượng này chứng tỏ người bệnh đang bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc bắt đầu có những biến chứng nguy hiểm như ung thư dạ dày…

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, cách xử lý khi đau bao tử là làm dịu cơn đau bằng thuốc hoặc các cách dân gian, sau đó sớm đến bác sĩ chuyên khoa để thăm, khám. 

* Cần làm gì khi đau dạ dày cấp

Nếu cơn đau dai dẳng, đau quặn thắt và khiến người bệnh không chịu đựng nổi thì điều cần thiết nhất là phải đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh việc tự chữa bệnh tại nhà. 

Ở một số trường hợp nhẹ hơn, người bị viêm đau dạ dày cấp cần làm:

1. Đi bộ để tiêu hóa thức ăn

Đi bộ một cách nhẹ nhành, chậm rãi sẽ giúp bạn giảm được cơn đau dạ dày vì đi bộ giúp bạn tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và làm cho khí tính tụ trong cơ thể được đẩy ra ngoài, giúp giảm chứng đầy bụng và tốt cho đường tiêu hóa.

2. Sử dụng thực phẩm được làm từ gừng

Gừng có tác dụng giữ ấm cơ thể đồng thời gừng có tác dụng làm giảm đau dạ dày nhanh chóng. Gừng có tác dụng chống viêm, trợ giúp tiêu hóa thức ăn tốt.

Bạn có thể dùng gừng tươi ngâm trực tiếp vào nước trà nóng để uống hoặc ngậm kẹo gừng. 

3. Uống trà bạc hà

Trà bạc hà được đánh giá là loại thực phẩm giúp giảm đau dạ dày hiệu quả. Trà bạc hà ngoài công dụng giảm căng thẳng và mết mỏi tinh thần, nó còn có tác dụng giảm sưng viêm trong dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa tốt. 

Ngoài ra bạn có thể dùng kẹo bạc hà khi bị cơn đau dạ dày hành hạ.

4. Chườm nóng dạ dày

Khi xuất hiện cơn đau dạ dày, cách hiệu quả và dễ làm là dùng túi sưởi, chai nước ấm, khăn ngâm nước ấm v.v... chườm nóng vào vùng bụng. 

Cách làm này tạo cảm giác thoải mái, tăng cường lưu thông và cải thiện lưu lượng máu tới vùng bụng, giúp giảm đau dạ dày và tiêu hóa được tốt hơn. 

5. Uống nước có ga

Nước có ga giúp bạn tiêu hóa thức ăn nhanh chóng, nhưng không nên lạm dụng vì uống nhiều nước có ga sẽ gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Chỉ cần dùng 1/3 lon nước có ga, một ngày hai lần là bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

6. Nằm nghiêng về tay trái

Hãy nằm nghiêng về phía bên trái nếu bạn đang bị đau dạ dày, cách làm này sẽ giúp ống tiêu hóa nghiêng về hướng lớn hơn của ruột kết, giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng hơn. Ngoài ra bạn nên bỏ những thói quen như nằm ngay sau khi ăn no, hoặc vừa đứng vừa ăn, sẽ gây khó tiêu.

>>>> Cách điều trị và chăm sóc người bệnh viêm loét dạ dày

Để dẫn đến bệnh viêm đau dạ dày cấp là cả một quá trình "tích lũy" những tác nhân gây bệnh, đặc biệt trong lối sống nhanh, hối hả hiện nay.

Điều cần thiết là phải tự kiểm soát thói quen sinh hoạt để đảm bảo hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh vì một khi đã xảy ra bệnh, việc chữa trị luôn tốn kém, mất thời gian, dễ dẫn đến những biến chứng nếu không trị đúng cách và dứt điểm. 

>>>> Nguy cơ tử vong vì xuất huyết dạ dày

Bình luận