Chờ...

Táo bón lâu ngày nguy hiểm như thế nào?

( VOH ) - Táo bón là bệnh được hình thành chủ yếu từ những thói quen xấu hàng ngày mà rất nhiều người mắc phải. Nếu không sớm khắc phục, táo bón sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe.

Để hiểu rõ  hơn về nguyên nhân cũng như những tác hại mà bệnh táo bón gây ra, bạn có thể tìm hiểu những chia sẻ dưới đây của PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) trong chương trình Phòng mạch FM, phát sóng trên VOH Radio – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

1. Nguyên nhân gây táo bón lâu ngày

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, thường có 2 nguyên nhân chính gây táo bón là nguyên nhân cơ năng và thực thể.

1.1 Nguyên nhân cơ năng

Bệnh táo bón được hình thành do những thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học như:

tao-bon-lau-ngay-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-1

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh táo bón (Nguồn: Internet)

  • Uống ít nước: Việc uống quá ít nước trong ngày sẽ khiến khối phân không đủ nước để trương nở, gặp khó khăn khi di chuyển ra ngoài, lâu ngày sẽ hình thành bệnh táo bón.
  • Ăn ít chất xơ: Vì bận rộn bạn chỉ ăn vội những thức ăn để cung cấp năng lượng mà quên đi những thực phẩm giàu chất xơ trong khẩu phần ăn sẽ dễ dẫn đến táo bón.
  • Nhịn đại tiện: Thói quen nhịn đại tiện vô cùng nguy hiểm, bởi điều này sẽ làm phân ứ đọng lại trong thành ruột gây bít tắc cơ năng tại chỗ. Khi đó cơ thể sẽ không giải độc được, phân dồn ứ sẽ bị cứng và người bệnh sẽ rất khó đẩy phân ra ngoài trong những lần đi cầu.

Ngoài ra, thường xuyên căng thẳng, lo âu, lười vận động, mất ngủ cũng là những nguyên nhân cơ năng phổ biến gây bệnh táo bón.

1.2 Nguyên nhân thực thể

Nguyên nhân thực thể được hiểu là do bệnh lý gây ra. Những bệnh lý ảnh hưởng và gây bệnh táo bón là bệnh lý đại tràng (người bệnh thường xuyên bị đau nên khó đi cầu), bệnh suy giáp, suy nhược cơ thể, tăng canxi máu, bệnh về khớp, bệnh dạ dày,…Các loại thuốc điều trị những bệnh lý này đều có thể ảnh hưởng đến dạ dày, một số thuốc làm trung hòa các axit làm giảm co thắt gây táo bón.

Ngoài ra, các loại thuốc chống trầm cảm, rối loạn lo âu sử dụng thường xuyên cũng dễ hình thành chứng bệnh táo bón.

Như vậy, về nguyên nhân thực thể là do các bệnh lý tại chỗ hoặc bệnh toàn thân, khi sử dụng thuốc điều trị chúng ta quên uống nhiều nước hoặc không tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, vô tình trở thành nguyên nhân hình thành bệnh táo bón.

2. Tác hại nặng nề của bệnh táo bón lâu ngày

Bác sĩ Bay cho biết, táo bón nếu không tích cực điều trị có thể dẫn đến những hậu quả dưới đây:

2.1 Gây độc cho cơ thể

Đi đại tiện mỗi ngày sẽ giúp cơ thể chúng ta thải được độc tố ra ngoài. Tuy nhiên, với những người bị táo bón thường rất khó để đi đại tiện mỗi ngày, khi đó chất độc sẽ còn tồn đọng lại, ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể.

2.2 Gây bệnh trĩ

tao-bon-lau-ngay-nguy-hiem-nhu-the-nao-voh-1

Táo bón lâu ngày là nguyên nhân hình thành bệnh trĩ (Nguồn: Internet)

Phân cứng và tồn ứ trong ruột sẽ sẽ làm phình các tĩnh mạch xung quanh hậu môn, lâu ngày sẽ hình thành nên bệnh trĩ.

2.3 Gây nứt hậu môn

Phân cứng khiến người bệnh táo bón phải rặn trong mỗi lần đi đại tiện, việc này cứ xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng nứt hậu môn, gây chảy máu. Nếu chảy máu nhiều mà không được khắc phục sớm, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.

2.4 Ảnh hưởng đến da và tâm lý

Theo bác sĩ Bay, chất độc tồn đọng trong cơ thể không được tống ra ngoài sẽ gây độc ngược lại, làm ảnh hưởng đến da, người bệnh dễ bị mụn nhọt, nóng nảy, bứt rứt và khó chịu. Từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và chế độ làm việc của người bệnh.

2.5 Xuất huyết

Táo bón kéo dài có thể dẫn đến xuất huyết đại tràng, lâu ngày dẫn đến xuất huyết trực tràng gây nguy hiểm cho người bệnh.

Như vậy, bệnh táo bón có thể để lại những hậu quả nặng cho sức khỏe, do đó, mỗi chúng ta tuyệt đối không nên xem thường căn bệnh này. Đồng thời chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho khoa học để không bị bệnh táo bón làm phiền.