Theo các thống kê tại Bệnh viện nhi đồng thành phố, 1 ngày có khoảng 1.500 bé đến khám, trong đó có tới 60 -70% bé đến khám những vấn đề liên quan đến hô hấp mà cụ thể là trẻ sơ sinh thở khò khè.
1. Trẻ sơ sinh thở khò khè là gì ?
Đường hô hấp được chia thành 2 phần chính là đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Khò khè là tiếng thở bất thường phát ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Âm thành này thường nghe rõ khi áp tai vào mũi hoặc miệng của trẻ, trong nhiều trường hợp, tiếng khò khè có thể nghe rõ từ xa khi bé thở mạnh, gắng sức.
Trẻ sơ sinh thở khò khè là một trong những triệu chứng liên quan đến các vấn đề về hô hấp thường hay gặp phải ở trẻ em, đặc biệt là những bé dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ vẫn không thể phân biệt được tiếng khò khè với tiếng khụt khịt hay thở rít khi trẻ thở.
Để phân biệt được tình trạng này, các bậc cha mẹ cần lưu ý đến những dấu hiệu nhận biết sau đây:
- Trẻ sơ sinh thở khò khè: Âm thanh phát ra thường trầm và đương đối đều đặn khi bé thở ra hay hít vào, tuy nhiên sẽ nghe rõ hơn ở khi bé thở ra.
- Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Âm thanh phát ra ở vị trí mũi, khi bé thay đổi tư thế hoặc làm sạch mũi thì sẽ không còn nghe thấy âm thanh gì nữa.
- Trẻ sơ sinh thở rít: Đây là dấu hiệu của những tổn thương ở phía trên thanh quản, âm thanh phát ra thường cao và thô, sẽ nghe rõ hơn khi bé hít vào.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh thở khò khè
Đường hô hấp dưới bị tổn thương chính là nguyên nhân gây ra tình trạng khò khè ở trẻ em. Thông thường tình trạng khò khè ở trẻ nhỏ được chia ra thành khò khè cấp tính và khò khè mãn tính.
2.1 Khò khè cấp tính
Là tình trạng chỉ vừa mới xảy ra từ 1 vài giờ đến 1 vài ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm do vi khuẩn, vi rút của đường hô hấp hoặc do bé bị hốc một vật gì đó trong thời gian gần đây.
2.2 Khò khè mãn tính
Là tình trạng bệnh đã xảy ra trong thời gian dài hoặc bệnh tái phát nhiều lần. Nguyên nhân của khò khè mãn tính có thể là do:
- Trẻ bị viêm phổi, hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản.
- Do những bất thường của đường thở như hẹp bẩm sinh đường hô hấp dưới.
- Chức năng đường hô hấp dưới bị thay đổi như trào ngược dạ dày.
- Các bệnh lý liên quan đến tim mạch như tim bẩm sinh, cao áp phổi…
- Có dị vật đường thở, lao, phù phổi, phế quản bị chèn ép... trẻ sẽ có dấu hiệu khó thở dai dẳng, kéo dài.
3. Trẻ sơ sinh bị khò khè có nguy hiểm không?
Tình trạng khò khè vừa là triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới, vừa là hậu quả trực tiếp mà bé sẽ gặp phải. Khi trẻ sơ sinh bị khò khè, bé có thể kèm theo các dấu hiệu thở dốc, thở không đều, khàn tiếng hay thậm chí là có tiếng thở rít....
Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gây ra các vấn đề khác về sức khỏe như: bệnh tim bẩm sinh, bệnh hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản hoặc có thể gây ra một số bất thường ở đường thở.
Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả lâu dài đến chức năng phổi của bé cũng như là sự trưởng thành ở phổi.
Xem thêm: Khò khè như thế nào được xem là dấu hiệu bệnh hen suyễn?
Chính vì thế, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng thở của bé để có thể điều trị một cách tận gốc.
Một số dấu hiệu cha mẹ cần nhận biết sớm cùng với triệu chứng thở khò khè để kịp thời đưa bé đến bệnh viện là:
- Bé tăng nhịp thở liên tục (hơn 60 lần/phút)
- Mũi bé thường phập phồng liên tục khi hít vào – thở ra và những cơ ở ngực cũng co kéo nhiều hơn bình thường
- Xuất hiện chứng xanh tím cơ thể
- Bị sốt cao
- Bé lười bú
- Có thể xảy ra tình trạng hôn mê ở những trẻ có vấn đề nghiêm trọng về phổi
4. Các cách điều trị trẻ sơ sinh thở khò khè
Để điều trị tình trạng khò khè ở trẻ nhỏ các bậc cha mẹ cần phải lưu ý đến việc bé bị khò khè là do cấp tính hay mãn tính.
4.1 Trẻ sơ sinh thở khò khè cấp tính
Cha mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc bé tại nhà bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé và hút sạch mũi cho bé, khi bé vẫn có thể ăn tốt, bú tốt và bé không có biểu hiện khó thở.
Tuy nhiên, nếu thấy bé khó thở, tím tái, khó chịu, bức rức, khó ngủ, không ngủ được hoặc có những triệu chứng khác như: ho, sốt.. thì các bậc cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể.
4.2 Trẻ sơ sinh thở khò khè mãn tính
Trong trường hợp trẻ sơ sinh thở khò khè khi bú, khi ngủ và tình trạng cứ tái đi tái lại nhiều lần thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ được có thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này để điều trị cho bé.
Không nên tự ý dùng thuốc, kể cả thuốc kháng sinh, long đờm, kháng viêm... để điều trị trẻ sơ sinh thở khò khè, vì có thể khiến bé bị khó thở nhiều hơn, bệnh diễn tiến nặng hơn.
Trên đây là những chia sẻ về tình trạng khò khè ở trẻ em, hi vọng qua những thông tin trên sẽ giúp các bậc cha mẹ có được những kiến thức hữu ích về tình trạng này để có thể phòng ngừa và điều trị một cách hiệu quả nhất.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/channel/UCS9abANl51w7lCV0nHmAWOw
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh