Chờ...

3 nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý vì ‘mở cánh cửa vào thế giới điện tử’

VOH - 3 nhà khoa học nhận giải Nobel vật lý năm nay đã chứng minh được rằng, các xung ánh sáng cực ngắn có thể được sử dụng để khám phá thế giới electron bên trong nguyên tử và phân tử.

Ngày 3/10, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố giải Nobel Vật lý cho ba nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier với các thí nghiệm "trao cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới điện tử bên trong nguyên tử và phân tử".

Những đóng góp của các nhà khoa học cho phép các nhà nghiên cứu quan sát và điều khiển động lực học điện tử trong khoảng thời gian chưa từng có, có ý nghĩa sâu sắc đối với nhiều lĩnh vực, bao gồm cả điện tử và chẩn đoán y tế.

Tổng số tiền thưởng là 11 triệu kronor (990.000 USD) sẽ được chia đều cho ba nhà khoa học.

giải Nobel Vật lý

Ảnh chụp màn hình lấy từ trang web chính thức của Giải thưởng Nobel: Những người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2023 từ trái sang Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier

Pierre Agostini sinh năm 1968, là Giáo sư tại Đại học bang Ohio, Columbus, Hoa Kỳ. Ferenc Krausz sinh năm 1962, là Giám đốc Viện Quang học Lượng tử Max Planck, Garching và Giáo sư tại Đại học Ludwig-Maximilians Munchen, Đức. Anne L'Huillier sinh năm 1958, là Giáo sư tại Đại học Lund, Thụy Điển.

Theo ủy ban trao giải, ba nhà khoa học đã chứng minh được một phương pháp tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo những quá trình cực nhanh như sự chuyển động hoặc thay đổi năng lượng của các electron.

Trong thế giới của các electron, những thay đổi xảy ra trong vài phần mười atto giây. Một atto giây ngắn đến mức một giây có số atto giây bằng số giây kể từ khi vũ trụ ra đời.

Thí nghiệm của những người đoạt giải đã tạo ra các xung ánh sáng ngắn đến mức chúng được đo bằng atto giây, nhờ đó các xung này có thể được sử dụng để cung cấp hình ảnh về các quá trình bên trong nguyên tử và phân tử.

Những khám phá này cho phép nghiên cứu các quy trình nhanh đến mức mà trước đây giới khoa học không thể theo dõi được.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển.

Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y sinh, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.

Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng. Từ năm 1901-2022, giải thưởng đã được trao 615 lần cho 989 cá nhân và tổ chức trên thế giới.