Chờ...

80 nước ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

VOH - Ngày 16/6, hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế ký thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tổ chức ở Thụy Sĩ nhằm tìm ra con đường hướng tới chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Văn bản tái khẳng định cam kết của các bên về “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.

Tuyên bố kêu gọi các bên trong xung đột Nga - Ukraine trao trả toàn bộ tù binh và cho phép trẻ em "bị đưa đi bất hợp pháp trở về nhà"; đảm bảo khả năng tàu bè có thể tiếp cận các cảng biển ở biển Đen và biển Azov để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Thông cáo kêu gọi đưa Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (tỉnh Zaporizhia, miền nam Ukraine) nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine, đảm bảo việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn ở Ukraine, đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ của Ukraine ở các cảng biển trên Biển Đen và Biển Azov, thả tất cả tù nhân chiến tranh và đưa trẻ em Ukraine về nước.

ukraine_peace_summit
Tổng thống Ukraine và lãnh đạo các nước, tổ chức tham gia sự kiện ở Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters

Thông cáo chung thượng đỉnh hòa bình Ukraine cũng tuyên bố bất kỳ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh cuộc chiến đều không được chấp nhận. Các cuộc tấn công vào tàu và cảng dân sự cũng không được chấp nhận.

Thông cáo cũng khẳng định Hiến chương Liên Hợp Quốc đóng vai trò cơ sở để đạt được một “nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine”.

Bên cạnh các quốc gia, 4 tổ chức đã ký vào thông cáo ngày 16/6 bao gồm Ủy hội châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu.

Khoảng 100 phái đoàn đến từ các quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị ở Thụy Sĩ, theo Interfax. Tuy nhiên, một số quốc gia đã không kí tuyên bố chung như Ấn Độ, Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nam Phi, Thái Lan, Indonesia hay Mexico.

Giới chuyên gia nhận định hội nghị hòa bình kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ có thể không mang lại nhiều tác động cụ thể tới việc chấm dứt xung đột do Nga không tham gia sự kiện.

Cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết Ukraine nên xem xét điều kiện mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra ngày 14/6, trong đó có từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập cuối năm 2022.