Sàn giao dịch, còn được gọi là MOEX và Ngân hàng Trung ương Nga nhanh chóng đưa ra các động thái mới sau khi Washington công bố một đợt trừng phạt mới nhằm cắt giảm dòng tiền và hàng hóa để duy trì cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Do việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Moscow Exchange Group, giao dịch trao đổi và thanh toán có thể chuyển giao bằng đô la Mỹ và euro đều bị đình chỉ”.
Động thái này có nghĩa là các ngân hàng, công ty và nhà đầu tư sẽ không thể giao dịch một trong hai loại tiền tệ thông qua một sàn giao dịch trung tâm, nơi có những lợi thế như thanh khoản và giám sát tốt hơn.
Thay vào đó, họ sẽ phải giao dịch qua quầy, nơi các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa hai bên. Ngân hàng Trung ương cho biết, họ sẽ sử dụng dữ liệu từ các giao dịch đó để thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức.
Nhiều người Nga giữ tiền tiết kiệm bằng đô la Mỹ hoặc euro vì lo ngại các cuộc khủng hoảng gần đây khi đồng rúp mất giá.
Ngân hàng Trung ương trấn an người dân rằng: “Các công ty và cá nhân có thể tiếp tục mua bán đô la Mỹ và euro thông qua các ngân hàng Nga. Tất cả số tiền bằng đô la Mỹ và euro trong tài khoản cũng như tiền gửi của người dân và công ty vẫn an toàn”.
Đại diện một công ty xuất khẩu hàng hóa lớn của Nga không bị trừng phạt nói với Reuters: “Chúng tôi không quan tâm, chúng tôi có đồng nhân dân tệ. Kiếm được đô la và euro ở Nga thực tế là không thể”.
Với việc Moscow theo đuổi mối quan hệ thương mại và chính trị chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng đô la để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên MOEX, chiếm 53,6% tổng lượng ngoại tệ được giao dịch trong tháng 5.
Khối lượng giao dịch đô la - rúp trên MOEX có xu hướng vào khoảng 1 tỷ rúp (11 triệu đô la) mỗi ngày, trong khi giao dịch đồng euro - rúp dao động ở mức khoảng 300 triệu rúp (3 triệu đô la) mỗi ngày.
Đối với giao dịch nhân dân tệ - rúp, khối lượng hàng ngày hiện thường xuyên lên tới 8 tỷ rúp (90 triệu USD).