Chờ...

Ấn Độ cải tạo 500 toa xe lửa làm nơi điều trị Covid-19

(VOH) - Ấn Độ sẽ sử dụng 500 toa xe lửa cải tạo thành khu điều trị Covid-19 với sức chứa hơn 8.000 giường bệnh ở thành phố Delhi nhằm đáp ứng số ca bệnh vẫn đang tăng vọt tại đây.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã ra thông báo về các biện pháp ứng phó khẩn cấp mới cho khu vực thủ đô New Delhi, bao gồm tăng cường xét nghiệm nhanh Covid-19. Ông cũng đã gặp thủ hiến Delhi là Arvind Kejriwal để bàn việc xử lý tình hình số ca nhiễm đang tăng mạnh những ngày gần đây.

Delhi, trong đó có vùng New Delhi là thủ đô Ấn Độ, là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ ba vì dịch Covid-19, sau bang Maharashtra và Tamil Nadu. Các báo cáo tại khu vực này cho thấy số giường tại các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị Covid-19 thuộc nhà nước lẫn tư nhân hiện chỉ còn khoảng 4.248 giường trống, trong khi cố bệnh nhân lên tới gần 10.000 người.

Ngoài cải tạo 500 toa xe lửa thành thêm 8.000 giường bệnh phục vụ điều trị, thủ hiến Delhi cũng công bố kế hoạch sử dụng 40 khách sạn và 77 trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến, chia lửa cho hệ thống y tế đang quá tải.

Theo thống kê, số trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong một ngày tại Ấn Độ hiện đã gần chạm mốc 12.000 trường hợp. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên đến 320.922 ca, với 9.195 người đã tử vong. Ấn Độ hiện cũng đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ tư trên thế giới - sau Mỹ, Brazil và Nga.  

Ấn Độ dùng 500 toa xe lửa làm nơi điều trị Covid-19 ở Delhi

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách trên một toa tàu ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 5, chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch kết thúc thời hạn phong tỏa toàn quốc - vốn bắt đầu tứ ngày 25/3. Trong đó, hệ thống giao thông đường bộ và hàng không dần nới lỏng một số hạn chế; trong khi nhiều doanh nghiệp và công sở bắt đầu mở cửa trở lại. Các ngôi chợ và đền thờ cũng đã dần đông đúc trở lại.

Lệnh phong tỏa toàn quốc đã có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Ấn Độ. Tại đất nước 1,3 tỷ dân này, thời gian qua hàng triệu người đã phải chịu cảnh mất việc, đặc biệt là lực lượng lao động nhập cư - đối tượng lao động dễ gặp nhiều rủi ro vì thường làm việc trong hoàn cảnh không có các điều khoản pháp luật bảo vệ và thu nhập bấp bênh. Ngoài ra, hệ thống cung cấp lương thực thực phẩm trên toàn quốc cũng chịu nhiều tác động vì lệnh phong tỏa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.