Động thái được đưa ra, trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước láng giềng có vũ khí hạt nhân vẫn căng thẳng. Ấn Độ đang theo đuổi quá trình hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ, trong đó chú ý nhiều hơn đến các phương tiện tấn công thế hệ mới, như máy bay không người lái (UAV).
Giới chức Ấn Độ lo ngại, linh kiện từ Trung Quốc, như thiết bị liên lạc, camera, hay phần mềm vận hành trên UAV, có thể gửi dữ liệu đến máy chủ bên ngoài, gây tổn hại tới an ninh quốc gia.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa lên tiếng về thông tin Reuters đăng tải.
Trong cuộc họp tháng 2 và tháng 3 vừa qua, liên quan đến gói thầu mua máy bay không người lái, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông tin, họ sẽ không chấp nhận nhà thầu sử dụng linh kiện của các quốc gia láng giềng. Đây được xem là sự nói khéo, khi đề cập tới Trung Quốc.
Thời gian qua, giới chức Ấn Độ lên án 1 số vụ tấn công mạng, mà Trung Quốc bị quy trách nhiệm đứng sau. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận có liên quan.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuần trước cũng công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu 1 số máy bay không người lái và thiết bị liên quan.
Quốc hội Mỹ năm 2019 đã cấm Lầu Năm Góc mua hoặc sử dụng máy bay không người lái và bộ phận sản xuất tại Trung Quốc.
Được biết không chỉ UAV, Ấn Độ đã cấm hàng loạt ứng dụng của Trung Quốc, như TikTok, vì vấn đề an ninh quốc gia. Ngoài ra, Ấn Độ cũng từ chối một số dự án lớn đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, với lý do tương tự.