Lần thử nghiệm vắc-xin phòng chống Covid-19 lần này được thực hiện bởi công ty công nghệ vi sinh Bharat Biotech có trụ sở tại Hyderabad và là một trong số khoảng 120 chương trình vắc-xin chống Covid-19 đang được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có sự tham gia của hơn 5 công ty dược đến từ Ấn Độ. Hiện chưa rõ chính xác số tình nguyện viên sẽ tham gia vào lần thử nghiệm vào tháng 7 tới đây.
Trước đó, các thử nghiệm vắc-xin Sars-CoV-2 trên động vật đều cho kết quả khả quan, an toàn và có phản ứng hiệu quả với dịch bệnh.
Vắc-xin được thử nghiệm trên người sắp tới đây có tên gọi Covaxin và là chế phẩm do Ấn Độ sản xuất hoàn toàn, được điều chế từ nguồn lây bệnh trong nước và virus bị làm suy yếu trong điều kiện của phòng thí nghiệm.
Theo tiến sĩ Krishma Ella, chủ tịch Bharat Biotech cho biết, đây là loại vắc-xin được phát triển dưới sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu virus quốc gia và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ. Bharat Biotech cũng là công ty đã cung cấp hơn 4 tỷ liều vắc-xin các loại trên thế giới, và cũng là nhà phát triển vắc-xin cúm H1N1, vắc-xin chống rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ và nhiều loại bệnh khác.
Vắc-xin phòng chống Covid-19 thử nghiệm trên người đầu tiên ở Ấn Độ có tên Covaxin, do Bharat Biotech sản xuất. Ảnh: BBC
Ngoài Bharat Biotech, tại Ấn Độ còn một số công ty khác cũng đang tiến hành phát triển vắc-xin chống Covid-19, tuy nhiên mới chỉ ở giai đoạn đầu, như Zydus Cadilla, Mynvax… Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu huyết thanh Ấn Độ có trụ sở tại Pune - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới tính về số liều cung cấp trên toàn cầu, cũng đã bắt tay với Đại học Oxford - dưới sự hậu thuẫn của chính phủ Anh - phát triển và điều chế số lượng khổng lồ vắc-xin chống Sars-CoV-2.
Ấn Độ là quốc gia sản xuất thuốc điều trị bệnh và vắc-xin lớn nhất thế giới. Đây là quê hương của khoảng nửa tá các nhà cung cấp vắc-xin của hầu hết các loại bệnh phổ biến hiện nay như bại liệt, viêm màng não, viêm phổi, rotavirus, lao, sởi, quai bị, rubella và nhiều căn bệnh khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, thông thường thời gian để phát triển vắc-xin phòng chống một căn bệnh nào đó sẽ mất vài năm, thậm chí vài thập kỷ. Mặc dù vậy, đối với dịch Covid-19, các chuyên gia đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ và dự kiến vắc-xin sẽ được đưa vào sử dụng đại trà vào khoảng giữa năm 2021 - tức là chỉ 12 đến 18 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên.