Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh hàng triệu người dân ở Anh đang bắt đầu quay lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ mừng năm mới. Do tác động của đình công, các dịch vụ vận tải đường sắt dự kiến sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội vốn còn nhiều rối ren trong nước.
Công ty quản lý cơ sở hạ tầng của hầu hết mạng lưới đường sắt tại Anh là Network Rail cho biết, dịch vụ vận tải đường sắt trên tất cả các tuyến sẽ bị kéo giảm đáng kể trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 3/1. Số lượng chuyến tàu sẽ ít hơn nên sẽ xảy ra tình trạng đông đúc, đồng thời có thể khởi hành muộn hơn và kết thúc sớm hơn. Thậm chí, tại một số khu vực, dịch vụ đường sắt còn tạm thời ngừng hoạt động.
Nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn nhất về lực lượng lao động kể từ thời của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher vào những năm 1980. Lạm phát không ngừng gia tăng ở mức kỷ lục trong khi tiền lương vẫn "ì ạch" khiến nhiều công nhân không đủ thu nhập để chi trả các khoản chi phí trong cuộc sống.
Bộ trưởng Giao thông Mark Harper cho rằng cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận về tiền lương là đại diện các công đoàn và người lao động ngồi vào bàn đàm phán với các quan chức chính phủ, thay vì tiến hành đình công.
Ngoài lĩnh vực đường sắt, nhân viên của các ngành khác như y tế, hàng không và bưu điện cũng tham gia các cuộc đình công riêng rẽ nhằm yêu cầu tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát đã vọt lên 10,7% vào tháng 11/2022, mức cao nhất trong 40 năm qua. Các giáo viên tại xứ Scotland cũng dự định sẽ đình công vào tuần tới.
Đình công kéo dài gây gián đoạn hoạt động nhiều sân bay lớn ở Anh
Mặc dù vậy, chính phủ Anh cho biết không thể tăng lương cho người lao động làm việc trong các lĩnh vực công tương đương đà tăng lạm phát. Chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak cũng kêu gọi lãnh đạo các công đoàn trở lại bàn đàm phán để thương lượng phương án phù hợp, tránh gây các tác động tiêu cực đối với nhiều ngành nghề và cuộc sống của người dân.