Đăng nhập

Ba Lan bác đề xuất của Ukraine về thành lập quân đội ở châu Âu

00:00
02:22
02:22
VOH - Ba Lan - quốc gia thành viên EU và NATO - khẳng định lập trường không ủng hộ đề xuất của Ukraine về việc thành lập một lực lượng quân đội chung cho châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước TVP ngày 15/2, đại diện Ba Lan - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski nhấn mạnh rằng ý tưởng về một "quân đội châu Âu" cần được xem xét thận trọng vì mỗi bên có thể hiểu theo những cách khác nhau.

"Nếu điều đó có nghĩa là hợp nhất quân đội của các quốc gia thành viên, thì nó sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, tôi luôn ủng hộ việc EU và châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ của chính mình," ông Sikorski nói.

Dù vậy, Ba Lan vẫn duy trì quan điểm rằng mọi sáng kiến quân sự của EU nên đóng vai trò bổ trợ cho NATO, thay vì cạnh tranh với liên minh do Mỹ dẫn dắt.

Bộ trưởng Ngoại giao Sikorski tái khẳng định Ba Lan không xem xét khả năng triển khai quân đội đến Ukraine, đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ chính của nước này là bảo vệ sườn đông NATO, tức lãnh thổ của chính Ba Lan.

Lâu nay, Ba Lan luôn ưu tiên hợp tác quân sự với Mỹ. Nước này đã ký kết nhiều thỏa thuận lớn với Washington, bao gồm hợp đồng mua hệ thống pháo phản lực HIMARS trị giá 10 tỷ USD, nhận khoản vay 2 tỷ USD từ Mỹ để hiện đại hóa quân đội, và trở thành nơi đặt căn cứ thường trực đầu tiên của Mỹ tại Poznan.

media.zenfs (1)Xem toàn màn hình
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski - Ảnh: REUTERS

Một số quốc gia châu Âu khác cũng thận trọng với ý tưởng về một quân đội chung.

Trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất ý tưởng này. Tuy nhiên, lập trường của ông Macron đã thay đổi đáng kể khi ông hiện công khai ủng hộ NATO.

Người kế nhiệm bà Merkel, Thủ tướng Olaf Scholz, dù vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của một EU "có chủ quyền hơn", nhưng không còn đề cập nhiều đến một quân đội chung châu Âu.

Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một quân đội chung của châu Âu, với Ukraine đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng này.

Ông Zelensky lập luận rằng châu Âu cần một đội quân mạnh để đảm bảo an toàn trước những mối đe dọa từ Nga và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Ý tưởng về một quân đội thống nhất của EU không phải là mới. Trong quá khứ, Mỹ từng coi đây là một mối đe dọa tiềm tàng đối với sự tồn tại của NATO. Hiện nay, dù chính quyền Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã kêu gọi châu Âu tự chủ hơn trong vấn đề quốc phòng, Washington vẫn khẳng định cam kết với NATO.

Bình luận