Ngày 11/6, người phụ trách an ninh thông tin của Chính phủ Ba Lan, ông Stanislaw Zaryn, đăng tải trên Twitter: “Ba Lan không liên quan gì đến các vụ nổ tại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Việc cáo buộc Ba Lan liên quan đến những sự kiện đó là không có cơ sở”.
Theo ông Zaryn, nhiều giả thuyết khác nhau đã được thảo luận trong nhiều tháng về vấn đề này. Đây dường như là chiến thuật gây nhiễu thông tin nhằm làm sai lệch "bức tranh chân thực về các sự kiện".
Trước đó một ngày, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đưa tin các nhà điều tra Đức đang xem xét bằng chứng cho thấy nhóm phá hoại đã sử dụng Ba Lan làm căn cứ điều hành để cho nổ tung các đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt của Nga qua Biển Baltic vào năm ngoái.
Cụ thể, Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức đang nghiêng về khả năng tin rằng những kẻ phá hoại Nord Stream đến từ Ukraine, và sử dụng chiếc du thuyền mang tên Andromeda làm công cụ. Du thuyền này được thuê với sự giúp đỡ của một công ty du lịch có trụ sở tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Phía Đức khẳng định con thuyền đã đi vào vùng biển Ba Lan, sau đó đi vòng quanh từng địa điểm mà sau đó xảy ra vụ nổ. Các phát hiện khác cho thấy Ba Lan cũng là trung tâm hậu cần và hỗ trợ cho cuộc tấn công.
Cuộc điều tra được cho là có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong NATO, làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Ba Lan và Đức.
Tháng 9/2022, sau hàng loạt vụ nổ lớn dưới đại dương, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2. Các vụ nổ đã tạo ra những mạch nước phun sủi bọt khổng lồ ở Biển Baltic, dẫn đến đã giải phóng lượng khí nhà kính vào khí quyển nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải hàng năm của Đan Mạch.
Các nước phương Tây và Nga cáo buộc nhau đứng sau các vụ nổ này và tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ. Tuy nhiên, chưa có cuộc điều tra nào đưa ra kết quả chính thức về vụ việc.