Bangladesh: Sập lưới điện quốc gia, hơn 3/4 đất nước mất điện

(VOH) - Lưới điện quốc gia của Bangladesh đã gặp sự cố, ngừng hoạt động từ khoảng 14h (giờ địa phương) ngày 4/10, khiến 75% - 80% lãnh thổ mất điện, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu dân.

Một quan chức chính phủ Bangladesh ngày 4/10 cho biết hầu hết lãnh thổ nước này rơi vào cảnh mất điện sau khi mạng lưới truyền tải điện năng gặp sự cố và ngừng hoạt động. Các cơ quan chức năng hiện đang nỗ lực khôi phục nguồn cung cấp điện cho 168 triệu dân.

Phát biểu với báo giới, quan chức Ban Phát triển điện lực Bangladesh, ông Shameem Hasan cho biết mạng lưới điện quốc gia đã ngừng hoạt động từ khoảng 14h (giờ địa phương) ngày 4/10, khiến 75-80% diện tích lãnh thổ Bangladesh mất điện. Toàn bộ các nhà máy điện trên cả nước đều gặp sự cố

Theo quan chức này, cơ quan điện lực cung cấp khoảng 4.500 MW điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện của cả nước là 14.200 MW. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân sập mạng lưới. Được biết, khoảng 45% các khu vực mất điện đã khôi phục lại thành công nguồn điện cung cấp. Những khu vực còn lại, theo Ban Phát triển điện lực Bangladesh, tập trung ở khu vực miền đông nước này.  

Bangladesh: Sập lưới điện quốc gia, hơn 3/4 đất nước mất điện
Một cửa hàng thuốc ở thủ đô Dhaka của Bangladesh đang phục vụ khánh hàng trong cảnh mất điện vì sự cố sập lưới điện quốc gia ngày 4/10/2022. Ảnh: Reuters

Từ ngày 19/7, Bangladesh đã triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đóng cửa các nhà máy điện trong bối cảnh giá nhiên liệu trên toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này.

Các nhà máy điện chạy bằng động cơ diesel sản xuất khoảng 6% sản lượng điện của Bangladesh, vì vậy việc ngừng hoạt động của các nhà máy này trong bối cảnh cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu đã khiến sản lượng điện thâm hụt lên tới 1.500 MW.

Ngoài ra, chính phủ Bangladesh cũng yêu cầu cắt điện theo kế hoạch tới 2 giờ đồng hồ/ngày và các cửa hàng phải đóng cửa sau 20h.

Trong khi đó, hàng chục nghìn nhà thờ Hồi giáo ở Bangladesh đã được yêu cầu hạn chế sử dụng máy điều hòa. Các quan chức chính phủ cũng đã bắt đầu đi chung xe, giảm giờ làm và tiến hành các cuộc họp theo hình thức trực tuyến.

Vào đầu tháng này, ông Faruque Hassan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cho biết, tình hình thiếu điện nghiêm trọng đến mức các nhà máy không có điện phục vụ sản xuất từ 4 đến 10 giờ mỗi ngày. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Hơn 80% ngoại hối nước này thu về là từ các mặt hàng may mặc xuất khẩu hàng năm.

Tháng trước, trong một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Bangladesh sẽ chậm lại còn 6,6% so với dự báo trước đó là 7,1% trong năm tài chính 2022.