Ngày 20/2, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tổ chức họp khẩn sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa.
Trong khi Mỹ và các đồng minh kêu gọi LHQ có hành động cứng rắn đối với Triều Tiên, thì Nga và Trung Quốc cho rằng Mỹ mới là tác nhân làm leo thang căng thẳng khi triển khai các đợt diễn tập quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng.
Tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ đề xuất tất cả 15 quốc gia thành viên HĐBA - bao gồm hai nước thân cận nhất với Triều Tiên là Nga và Trung Quốc - thống nhất lên án các vụ thử nghiệm tên lửa liên tiếp chưa từng có của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt theo nghị quyết của HĐBA, tiến tới đàm phán có hiệu quả.
Bà Linda Thomas-Greenfield phát biểu Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 20/2 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào cuối tuần trước; nhấn mạnh đây là hành động "vi phạm trắng trợn" các lệnh cấm của HĐBA đối với quốc gia này.
Đại sứ Mỹ khẳng định các động thái gần đây của Triều Tiên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền hòa bình và an ninh thế giới.
Tuy nhiên, ở chiều ý kiến ngược lại, các quốc gia gồm Nga và Trung Quốc cho rằng việc cần thiết bây giờ là tiến hành đối thoại giữa Triều Tiên và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, với các nội dung như kéo giảm các cuộc tập trận quân sự, nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và phê chuẩn dự thảo nghị quyết về vấn đề Triều Tiên từng được đề xuất vào tháng 11/2021.
Theo nghị quyết trên, Trung Quốc và Nga mong muốn HĐBA LHQ nới lỏng các lệnh cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên "để cải thiện sinh kế của người dân”. Các lĩnh vực được yêu cầu nới lỏng bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tượng, hải sản, hàng dệt may của Bình Nhưỡng và nâng giới hạn cho Triều Tiên nhập khẩu xăng dầu tinh chế.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ - ông Dai Bing - cho rằng các đợt tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc, việc Mỹ triển khai các cơ quan chiến lược tại Hàn Quốc, cũng như chuyến thăm tới Seoul và Tokyo của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tuần trước là những động thái "khiêu khích nghiêm trọng" đối với Triều Tiên, gây mất an ninh trong khu vực.
"Vì Mỹ từng nhiều lần thể hiện mong muốn đối thoại không điều kiện với CHDCND Triều Tiên, quá trình này cần được tiến hành đúng nghĩa để đối thoại thật sự khởi động và duy trì. Liên tiếp theo đuổi các lệnh trừng phạt sẽ chỉ khiến vấn đề đi vào ngõ cụt", ông Dai Bing nói.
Về phần mình, phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nhận định việc phóng tên lửa là phản ứng của Triều Tiên trước các động thái biểu trưng sức mạnh quân sự quy mô lớn bằng các đợt diễn tập - mà Mỹ là bên dẫn đầu.
Sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield đã đại diện 11 nước - gồm 10 thành viên HĐBA và Hàn Quốc - đọc bản tuyên bố với nội dung lên án mạnh mẽ các cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi 5 quốc gia thành viên còn lại đồng ý về việc lên án Triều Tiên.