Belarus bắt đầu nhận bom hạt nhân từ Nga

VOH - Ngày 14/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga.

"Chúng tôi có tên lửa và bom nhận được từ phía Nga. Những quả bom (nguyên tử) này mạnh gấp 3 lần so với những quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản)" - Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói.

Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya-1, được đăng tải trên kênh Telegram của Hãng thông tấn Belta của Belarus.

Tổng thống Belarus cũng cho biết có nhiều cơ sở lưu trữ hạt nhân còn sót lại trên lãnh thổ nước này từ thời Liên Xô. Ông cũng tiết lộ Belarus đã khôi phục năm hoặc sáu cơ sở trong số đó.

Belarus bắt đầu nhận bom hạt nhân từ Nga 1
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

Theo Tổng thống Alexander Lukashenko, việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là mong muốn của ông, không phải do Moskva áp đặt.

Ông Lukashenko giải thích việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus sẽ giúp ngăn chặn các bên có ý định tấn công nước này trong tương lai.

Đây là lần đầu tiên Matxcơva triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật (có sức công phá nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược) ở bên ngoài lãnh thổ nước Nga, kể từ khi Liên Xô tan rã.

Động thái này của Nga đang được Mỹ và các đồng minh cũng như Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Các nước này đã nhiều lần cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.

Moskva và Minsk ngày 25/5 ký thỏa thuận về triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Bộ Quốc phòng Nga công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và cường kích Su-25.

Tổng thống Belarus là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Belarus nằm giáp với ba nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Lithuania, Latvia và Ba Lan.

Bình luận