Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh tim mạch khiến 10.000 người châu Âu tử vong mỗi ngày

VOH - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bệnh tim mạch là nguyên nhân dẫn đến 40% số ca tử vong ở châu Âu (tương đương 10.000 ca tử vong/ngày, hay 4 triệu ca/năm).

Châu Âu hiện là khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp lớn nhất thế giới.

Trong nhóm tuổi từ 30-79, cứ 3 người thì có 1 người bị cao huyết áp, thường là do ăn nhiều muối.

Theo thống kê, có 51 trong số 53 quốc gia ở khu vực châu Âu của WHO ghi nhận lượng muối tiêu thụ trung bình hằng ngày cao hơn mức khuyến nghị tối đa của WHO là 5 gram (tương đương một thìa cà phê), phần lớn do thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt.

WHO nhấn mạnh việc ăn nhiều muối làm tăng huyết áp, đây là nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ.

Tim mach toan cau 2024
Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo của WHO cho thấy nam giới tại châu Âu có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn gần 2,5 lần so với phụ nữ.

Tuy nhiên, nguy cơ này cũng có sự khác biệt theo địa lý, trong đó xác suất tử vong sớm (30-69 tuổi) do bệnh tim mạch ở Đông Âu và Trung Á cao gần gấp 5 lần so với Tây Âu.

Trước tình hình này, Giám đốc của WHO tại châu Âu Hans Kluge cho rằng từ nay đến năm 2030, việc thực hiện các chính sách nhằm giảm 25% lượng muối ăn có thể giúp 900.000 người tránh được các bệnh tim mạch.

Khoảng 200.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tử vong do các bệnh liên quan tới tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, hen phế quản và đái tháo đường cộng lại.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.

Tại Việt Nam, sự thay đổi nhân khẩu học hướng tới dân số già hơn hiện nay sẽ đi kèm với sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch là bệnh được chẩn đoán thường xuyên nhất cũng như là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.

Với tỷ lệ dân số già tăng nhanh trong giai đoạn 2009-2019 (từ 8,68% lên 11,86%), dự kiến đạt mức 16,5% vào năm 2029, Việt Nam có thể xem là sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2036.

Một trong những thách thức nổi cộm về mặt y tế là bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi vốn đã phổ biến và thường có sự xuất hiện của nhiều bệnh đồng mắc như rung nhĩ kèm suy tim, rung nhĩ kèm suy thận, đặc biệt là đột quỵ.

Đáng lưu ý, bệnh lý tim mạch ở người lớn tuổi ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, có nguy cơ tử vong cao và là một gánh nặng kinh tế đáng kể cho cả cá nhân lẫn xã hội.

Nhiều người vẫn nghĩ bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn, bệnh tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hóa.

Theo các chuyên gia của Viện Tim mạch Quốc gia, các bệnh lý tim mạch chủ yếu có liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm yếu tố về gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường…

Bên cạnh đó còn là các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: lười vận động, thói quen có hại, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh; ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress) và có cả sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan trong tiếp cận phòng-chữa bệnh.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như các thành tựu khoa học cho thấy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động.

Với những hành động tưởng chừng như rất đơn giản như tuyên truyền, hướng dẫn mọi người không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày… có thể giúp mỗi người tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.

Lời khuyên cho một trái tim khỏe để không là nạn nhân của bệnh tim mạch:

1. Kiểm soát cân nặng, giảm cân nặng (nếu thừa cân).

 2. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Không ăn nhiều mỡ động vật.

 3. Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn) (dưới 6gr muối / ngày)

 4. Đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày.

 5. Hạn chế uống rượu bia.

 6. Tránh lo âu, căng thẳng, nên tự tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, vui vẻ.

 7. Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình.

 8. Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.

Bình luận