Khu vực trồng ngô xung quanh thành phố Thừa Đức ở miền Bắc Trung Quốc, nắng nóng đến sớm trong năm nay. Cùng với đó là hạn hán. Vấn đề trở nên tồi tệ bậc nhất trong nhiều thập kỷ. Phần lớn ngô đã trở nên héo úa.
Tỉnh miền Trung Hà Nam gặp vấn đề ngược lại. Mưa đến sớm gây lũ lụt, nhấn chìm ruộng đồng. Đây là nơi sản xuất 25% lúa mì của Trung Quốc.
Mưa lớn tại các nơi khác tiếp tục đe dọa mùa vụ. Sóng nhiệt trên khắp đất nước đã làm chết hàng triệu con cá, lợn và thỏ. Thời tiết khắc nghiệt đang tấn công ngành nông nghiệp Trung Quốc từ mọi phía.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc có lý do để lắng hơn.
Hàng nghìn năm qua, các triều đại Trung Quốc luôn lo ngại về an ninh lương thực. Nhiều người vẫn nhớ nạn đói vào cuối thập niên 1950. Thảm họa khiến hàng chục triệu người thiệt mạng.
Lương thực luôn luôn là một thách thức. Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới, nhưng chưa đến 10% diện tích đất canh tác. Trong thập kỷ gần đây, phát triển công nghiệp và đô thị hóa, khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp. Nhập khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm, nhưng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ gập ghềnh với các nước như Mỹ và Úc, hoặc cuộc chiến Ukraine.
Các vấn đề liên quan đến thời tiết, khiến cuộc sống của người nông dân trở nên khó khăn hơn. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hạn hán có thể làm giảm 8% sản lượng ngô, lúa mì và gạo vào năm 2030. Mưa lũ cũng tác động tương tự lên một số cây trồng khác. Rau và trái cây rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Chúng cũng khó dự trữ. Đợt hạn hán năm ngoái ở miền Nam Trung Quốc, đã đẩy giá dưa chuột và rau xanh tăng đột biến.
Chính phủ Trung Quốc đang gợi ý nhiều giải pháp. Ví dụ đưa hoạt động sản xuất lương thực vào trong nhà nhiều hơn, nơi nhiệt độ và độ ẩm có thể được kiểm soát. Giới chức kêu gọi 40% rau nên được trồng trong nhà vào năm 2030, so với hiện tại là 30%. Phân bón và nước có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong nhà.
Trời nắng nóng, lợn chậm lớn hơn, bò cho ít sữa hơn và gà đẻ trứng thưa hơn. Tất cả chúng cũng có nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, gia súc cũng được khuyến khích nên nuôi trong nhà. Một chung cư 26 tầng ở miền trung Trung Quốc, hiện là trang trại nuôi lợn lớn nhất thế giới. Tại đây, có thể giết mổ 1,2 triệu con mỗi năm. Thịt lợn là thực phẩm ưa thích trong văn hóa Trung Quốc.
Nuôi bò thì khó hơn. Một trang trại ở tỉnh Hà Bắc, đàn bò được định kỳ tắm rửa và thổi không khí từ những chiếc quạt khổng lồ treo trên mái nhà. Vị trí mỗi con bò được theo dõi bằng máy tính. Các vòi phun tự động được điều chỉnh để tránh lãng phí nước. Cách làm như vậy đã lan rộng nhanh chóng trong ngành chăn nuôi.
Trung Quốc cũng đang nghiên cứu kỹ thuật tưới tiêu tốt hơn, để ứng phó tác động từ hạn hán. Chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng liên quan đến nước đạt mức 129 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn 44% so với 1 năm trước. Chính quyền các cấp đã xây dựng một mạng lưới đường ống và bể chứa dày đặc hơn, đồng thời giảm khả năng bay hơi và rò rỉ. Cơ sở hạ tầng để vận chuyển hàng triệu lít nước từ miền Nam đến những nơi khác, cũng được mở rộng.
Khi cả xã hội tập trung vào vấn đề lương thực, ảnh hưởng của khí hậu cực đoan lên sức khỏe con người đang không được chú ý đúng mức. Ví dụ tác động của nắng nóng lên cơ thể người cao tuổi. Bên cạnh đó, người lao động cũng không muốn làm việc dưới trời nắng. Nếu có, hiệu suất cũng không cao.
Một nông dân trồng ngô 76 tuổi ở thành phố Thừa Đức than thở, vụ mùa năm nay gia đình mất khoảng 60 - 70% sản lượng.
Theo các nhà khoa học, nếu không có giải pháp mạnh mẽ, để vừa chống biến đổi khí hậu vừa thích nghi với biến đổi khí hậu, thì cuộc sống của những nông dân sẽ rất chênh vênh. Lo ngại của Trung Quốc về an ninh lương thực sẽ ngày càng lớn.