Chờ...

Đàm phán khí hậu Mỹ - Trung: Vấn đề khí methane là tâm điểm

VOH - Theo 1 số nguồn tin, chuyến thăm của đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry tới Trung Quốc, có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Ông Kerry đến Bắc Kinh hôm chủ nhật 16/7, để tham gia đàm phán nhằm khôi phục những cam kết của 2 nước, trong việc hạn chế khí thải làm trái đất nóng lên. Các chuyên gia cho rằng, giảm thiểu khí methane, yếu tố đóng góp 30% nguyên nhân nóng lên toàn cầu, có thể là chủ đề chính.

Ông Kerry nói trong 1 phiên điều trần trước quốc hội gần đây: “Khí methane là nhân tố có ảnh hưởng lớn. Trung Quốc đã đồng ý về 1 kế hoạch cắt giảm khí methane trong cuộc họp ở Glassgow năm 2021, và 1 lần nữa ở Ai Cập năm 2022.”

Đặc phái viên khí hậu Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 17/7

Đặc phái viên khí hậu Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 17/7 – Hình: The Economic Times

Trong các cuộc đàm phán về khí hậu COP27 tại Ai Cập, đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, ông Xie Zhenhua, đã có mặt tại cuộc họp “Đối tác khí methane toàn cầu”, một sáng kiến do Hoa Kỳ và EU khởi sự, nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải này so với mức năm 2020 vào cuối thập kỷ hiện tại.

Ông Xie thông báo, Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch với biện pháp cụ thể, để hạn chế lượng khí thải methane từ ngành dầu khí và nông nghiệp.

Một số nguồn tin cho biết, ông Kerry hy vọng Trung Quốc sẽ tiết lộ thêm về kế hoạch trên trước hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc - COP28 - được tổ chức vào tháng 12 tới tại Dubai.

Ông Jonathan Banks, chuyên gia về khí hậu tại tổ chức phi lợi nhuận về không khí sạch toàn cầu CATF nói: “Đây là bước khởi đầu để các bên có thể ngồi xuống, và thảo luận nghiêm túc hơn, về nỗ lực cắt giảm khí methane.”

Trung Quốc đặt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon đạt mức cao nhất vào năm 2030, sau đó giảm dần và bằng 0 vào năm 2060. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đặt mục tiêu cho khí methane và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch trung hòa khí cacbon vào năm 2050. Đạo luật “Giảm lạm phát năm 2022”, yêu cầu thu phí đối với khí thải methane từ ngành khai thác dầu mỏ bắt đầu vào năm 2024.

Ông Xie thừa nhận vào năm ngoái rằng, khả năng kiểm soát khí methane của Trung Quốc vẫn còn yếu, vì chưa có hệ thống giám sát chặt chẽ.

Một báo cáo tháng 4/2023 của tổ chức tư vấn “Chương trình phát triển xanh”, có trụ sở tại Bắc Kinh nói rằng, khí methane của Trung Quốc có thể tăng 50% vào giữa thế kỷ này so với năm 2015.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Lawrence Berkeley ở California nhận định, những cải cách trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của Trung Quốc, nếu làm quyết liệt, có thể giảm 30 - 40% lượng khí methane so với năm 2015 vào cuối thập kỷ hiện tại.

Hai nguồn thải khí methane lớn bậc nhất ở Trung Quốc, là chăn nuôi và sản xuất lúa gạo. Hiện nay, cả 2 đều không được đưa vào kế hoạch chống biến đổi khí hậu của quốc gia. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc năm ngoái khuyến nghị các biện pháp canh tác mới, như quản lý tưới tiêu cho lúa và chế độ ăn ít protein cho gia súc, nhằm giảm khí thải methane.

Các mỏ than và dùng than sản xuất điện cũng là 1 bài toán khác. Theo nhóm nghiên cứu môi trường Karryos, Trung Quốc là nguồn phát thải khí methane lớn nhất thế giới từ than, lớn hơn 3 hoặc 4 lần so với quốc gia tiếp theo. Do đó, vấn đề kiểm soát khí methane đang rất cần thiết đối với 2 nước nói riêng, và toàn cầu nói chung.