Hãng tin Reuters ngày 11/8 đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 10/8 cho biết, TikTok sẽ không thể tiếp tục thu thập thông tin các nhân của công dân Mỹ trên quy mô lớn như cách thức hiện nay và Bộ Tài chính có các công cụ cần thiết để khắc phục tình trạng này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CNBC, Bộ trưởng Mnuchin cho biết Tổng thống Donald Trump đã nói rất rõ ràng rằng ông sẽ không để tình trạng này tiếp diễn.
Ông Mnuchin từ chối đưa ra bình luận về cuộc đàm phán liên quan đến việc Microsoft mua lại TikTok.
Phía Mỹ cho rằng TikTok thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng và chính phủ Trung Quốc có thể truy cập những dữ liệu này để phục vụ mục đích tình báo cũng như các mục đích khác.
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance. (Ảnh: The Verge)
Trước đó vào ngày 02/08, ông Mnuchin cho rằng ứng dụng TikTok phải bị bán hoặc sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ bởi ứng dụng này gây ra những mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Đây là cảnh báo đáng ngại mới nhất của Mỹ đối với ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc này. Phát biểu trên đài truyền hình ABC, ông Mnuchin khẳng định TikTok không thể tồn tại theo định dạng hiện nay bởi nó gây ra nguy cơ đối với thông tin của 100 triệu người Mỹ.
Bộ trưởng Mnuchin đã trao đổi với các nhà lãnh đạo tại Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer về những việc cần phải làm đối với các hoạt động của TikTok ở Mỹ và họ đều nhất trí rằng cần thiết phải có một sự thay đổi, buộc TikTok phải được bán lại hoặc ngăn chặn ứng dụng này.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết hãng Microsoft đang đánh giá khả năng mua lại mảng kinh doanh tại Mỹ của TikTok nhằm bổ sung cho hãng này một dịch vụ truyền thông xã hội phổ biến, đồng thời giải tỏa sức ép của chính phủ Mỹ lên ứng dụng này.
Tổng thống Trump đã tuyên bố nếu Microsoft hoặc công ty khác của Mỹ không thể đạt được thỏa thuận mua lại TikTok trước ngày 15/09, ứng dụng này sẽ bị cấm tại Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã ban hành lệnh hành pháp, theo đó có thể loại bỏ một ứng dụng khác của Trung Quốc là WeChat ra khỏi cửa hàng trực tuyến của Apple (iOS) và Google (Android) trên toàn thế giới và ngăn chặn các công ty Mỹ giao dịch kinh doanh với công ty mẹ của WeChat là Tencent.
WeChat là một ứng dụng có đến 1,2 tỉ người sử dụng hàng tháng. Lệnh cấm tại Mỹ sẽ cắt bỏ hàng triệu cuộc trò chuyện giữa các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, thành viên gia đình và bạn bè giữa Mỹ và Trung Quốc.
Được biết, trước TikTok, hai đại gia công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE và Huawei cũng lao đao vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hai hãng này chịu nhiều cáo buộc, từ đe dọa an ninh quốc gia đến lách lệnh cấm vận của Mỹ với nước khác.
An Nhiên (Theo Jiemian)