Brazil sẽ nhận hỗ trợ xử lý cháy rừng Amazon nhưng tự quyết cách sử dụng

(VOH) - Brazil cho biết họ sẵn sàng chấp nhận viện trợ nước ngoài để xử lý vụ cháy rừng Amazon nhưng với điều kiện họ có thể quyết định việc chi dùng số viện trợ này như thế nào.

Đây có thể được xem là một nỗ lực rõ ràng nhằm xoa dịu cuộc tranh cãi công khai giữa Tổng thống Brazil và Pháp.

Bình luận trên của người phát ngôn của Tổng thống - Rego Barros được đưa ra sau khi các thống đốc bang Amazon ở Brazil nói với Tổng thống Jair Bolsonaro rằng họ cần tiền để giúp xử lý các vụ cháy rừng kỷ lục ở rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới.

“Chính phủ Brazil, thông qua Tổng thống của mình, sẵn sàng nhận hỗ trợ tài chính từ các tổ chức và quốc gia. Số tiền này, khi vào đất nước chúng tôi, sẽ do người dân Brazil toàn quyền sử dụng,” ông Barros nói.

Ngoài ra, theo một nguồn tin ngoại giao tại Brasilia nói với Reuters, chính phủ Brazil cũng đã chấp nhận 10 triệu bảng do Anh hỗ trợ để giải quyết đám cháy. Cơ quan báo chí của ông Bolsonaro hiện chưa có bình luận gì về thông tin trên.

Brazil sẽ nhận hỗ trợ xử lý cháy rừng Amazon nhưng tự quyết cách sử dụng

Rừng Amazon cháy lớn nhiều ngày qua được xem là khủng hoảng toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Trước đó vào thứ Ba (27/8), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã nói rằng ông sẽ chỉ xem xét chấp nhận lời đề nghị viện trợ 20 triệu đô la Mỹ từ các nước G7 nếu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rút lại “những lời lăng mạ” đối với ông.

Bolsonaro và Macron đã bị vướng vào "cuộc chiến" cá nhân về ngôn từ sử dụng cho đối phương một cách công khai trong những ngày gần đây, với việc Bolsonaro chế giễu vợ Macron, và buộc tội nhà lãnh đạo Pháp "không tôn trọng chủ quyền" của Brazil. Macron đã gọi Bolsonaro là "kẻ dối trá" và nói rằng phụ nữ Brazil “có lẽ rất xấu hổ” về ông.

Văn phòng Tổng thống Pháp từ chối bình luận về vấn đề này.

Tổng thống Brazil đang ngày càng cảm thấy mình bị cô lập trên trường quốc tế vì phản ứng của ông đối với những vụ cháy ở rừng Amazon - đây đang được xem là một mối đe dọa to lớn đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, phản ứng có phần cực đoan của chính phủ Brazil còn có thể gây hại đến các thỏa thuận thương mại và khu vực kinh doanh nông nghiệp mạnh mẽ của Brazil - vốn là điểm trọng yếu trong nền kinh tế đang có phần suy thoái của Brazil.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây không phải là lúc để từ chối tiền,” ông Flávio Dino, thống đốc bang Maranhao, nói với các phóng viên sau cuộc họp mà ở đó, Bolsonaro cam kết sẽ đồng ý về một gói các biện pháp lập pháp với các bang vào ngày 5/9 để giúp ngăn chặn sự gia tăng các vụ cháy rừng xảy ra một lần nữa.

“Hành động chống lại môi trường này có thể khiến Brazil phải đối mặt với sự trừng phạt quốc tế,” ông Dino nói.

Số lượng vụ cháy ở Brazil đã tăng 80% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2018, theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu vũ trụ INPE.

Theo dữ liệu thời tiết và hai chuyên gia cho biết, phải vài tuần nữa mới có thể có cơn mưa đủ rộng để dập tắt đám cháy.

Các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết hỗ trợ 20 triệu đô la sau khi thảo luận về các vụ hỏa hoạn đang tàn phá một khu vực được coi là “lá phổi của thế giới”. Lời đề nghị, được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Pháp hôm thứ Hai (26/8), đã gây tranh cãi trong chính phủ Bolsonaro. Một số quan chức rất biết ơn sự giúp đỡ trong lúc cần thiết, và những người khác coi đó là một hành động can thiệp làm suy yếu quyền kiểm soát đất đai của Brazil.