Đăng nhập

Các ngoại trưởng châu Âu: NATO cần đoàn kết và phản đòn mạnh mẽ trước Nga

00:00
02:03
02:03
VOH - Ngày 19/11, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Pháp, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Anh lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công có hệ thống và quy mô lớn của Nga vào châu Âu, gọi đây là tình huống "chưa từng có".

Tuyên bố của các nhà ngoại giao châu Âu được đưa ra khi ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva (hay còn gọi là Lithuania) đang điều tra về hành vi phá hoại có chủ ý, sau khi hai tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic bị cắt đứt.

Các ngoại trưởng nhấn mạnh rằng các hành động này là chiến tranh hỗn hợp kết hợp giữa quân sự và phi quân sự, làm leo thang nguy cơ an ninh tại các quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Các ngoại trưởng châu Âu cho biết các cuộc tấn công đặt ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và cần được đối phó mạnh mẽ. Bên cạnh đó, họ tái khẳng định vai trò quan trọng của một liên minh NATO mạnh mẽ và đoàn kết trong việc bảo vệ an ninh chung của các quốc gia châu Âu.

afp2024111936mt4mmv5previewpolandeuukrainerussiaconflictwar-1732016839086481110558Xem toàn màn hình
Bộ trưởng Ngoại giao các nước trước cuộc hội đàm chung ngày 19/11 tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock kêu gọi các đồng minh tăng cường "yếu tố châu Âu" trong khối NATO, đặc biệt là đầu tư vào an ninh và củng cố năng lực răn đe của liên minh.

Bà Baerbock nhấn mạnh rằng, để đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh hiện nay, các quốc gia châu Âu cần phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, với mục tiêu chi ít nhất 2% GDP vào an ninh.

Trong cuộc họp cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng lên tiếng đe dọa đóng cửa các lãnh sự quán Nga tại Ba Lan nếu Moscow không chấm dứt các hành vi phá hoại tại châu Âu.

Dù chưa có thông tin chính thức từ phía Nga, nhưng giới quan sát nhận định rằng "hành vi phá hoại" mà ông Sikorski đề cập có thể liên quan đến vụ cắt đứt hai tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic, một hành động được cho là có liên quan đến Nga.

Bên cạnh các diễn biến chính trị và ngoại giao, các cuộc họp của các ngoại trưởng châu Âu diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nga công bố học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Theo bản sửa đổi, Nga ưu tiên ngăn chặn các quốc gia tiềm tàng có hành động gây hấn và khẳng định bất kỳ sự khiêu khích nào từ các quốc gia thuộc liên minh quân sự chống lại Nga sẽ được coi là hành động gây hấn toàn diện. Tuy nhiên, Moscow khẳng định chính sách hạt nhân của mình vẫn mang tính phòng thủ.

Bình luận