Sau đó, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đến Scotland thuộc Vương quốc Anh để tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hợp quốc (COP26).
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận về ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho biết, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí về bản thông cáo chung cuối cùng, theo đó thúc giục các nước có những hành động "có ý nghĩa và hiệu quả" để kiểm soát mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thông cáo chung khẳng định tác động của biến đổi khí hậu khi mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C sẽ ít hơn nhiều so với mức tăng 2 độ C, và để đạt được mục tiêu kiểm soát sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có những cam kết và hành động có ý nghĩa và hiệu quả.
Tuy nhiên, thông cáo chung hầu như không đưa ra các hành động cụ thể, cũng như không đề cập đến mục tiêu phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các nhà khoa học nói rằng việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là điều rất quan trọng để tránh những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo vẫn còn những bất đồng về thời điểm đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0, và thông cáo chung cuối cùng chỉ đề cập mức phát thải ròng bằng 0 sẽ đạt được "vào khoảng giữa thế kỷ này", chứ không phải vào thời điểm năm 2050 như lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết tại cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 6.
Thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo G20 vừa đạt được về ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt mục tiêu mà một số nước đã đề ra, điều đó có nghĩa là các nhà lãnh đạo thế giới còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tham gia Hội nghị COP26.
Theo bản sao cuối cùng về thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 mà Bloomberg được xem qua, các nhà lãnh đạo G20 nói rằng họ vẫn đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu mà Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã đề ra, đó là kiểm soát sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và cố gắng kiểm soát con số này ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới, tức là đặt mức thuế doanh nghiệp thấp nhất thế giới ở mức 15%, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2023. Đây là mục tiêu cốt lõi của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Mỗi quốc gia đều phải thông qua phiên bản về mức thuế của riêng mình và phải mất một khoảng thời gian mới có thể triển khai thực hiện trên phạm vi toàn cầu.
Sau Hội nghị thượng đỉnh G20, hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ bay từ Rome đến Scotland để tham dự Hội nghị COP26, dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11.