Ngày 23/12, Bộ Y tế Canada thông báo nước này đã phê chuẩn việc sử dụng vắcxin phòng bệnh COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ phát triển. Như vậy, Canada đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới "bật đèn xanh" cho vắcxin của Moderna, sau Mỹ.
Canada đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin Moderna và sẽ tiếp nhận 168.000 liều vắcxin trước cuối tháng này. Công tác phân phối có thể được triển khai trong vòng 48 giờ sau khi loại vắcxin của Moderna được phê chuẩn.
Brazil là nước đầu tiên hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của CoronaVac trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Viện Butantan của bang Sao Paulo và công ty Sinovac Biotech.
Giám đốc Viện Butantan Dimas Covas khẳng định loại vắcxin này đã đạt được mức hiệu quả và an toàn cần thiết, qua đó cho phép thực hiện bước tiếp theo là đệ trình hồ sơ lên các cơ quan quản lý để xin phép sử dụng khẩn cấp. Dự kiến, bang Sao Paulo có thể sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1/2021.
Trong khi đó, Costa Rica cũng dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng ngừa ngừa COVID-19 trong ngày 24/12 - một ngày sau khi nhận được lô vắcxin đầu tiên.
Lô vắcxin đầu tiên được chuyển tới Costa Rica là 9.750 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm phòng. Tính đến hết ngày 23/12, Costa Rica ghi nhận hơn 160.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.065 trường hợp tử vong.
Mexico sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân vào đêm Giáng sinh 24/12, với 3.000 liều vắcxin trong lô vắcxin đầu tiên mà nước này nhận được từ hãng Pfizer. Chile dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tuần sau, trong khi Argentina đang chờ nhận được vắcxin Sputnik V của Nga.
Chính phủ Australia vừa hoàn tất ký kết hợp đồng với các công ty phân phối, hậu cần và công ty theo dõi tiến độ phân phối vắcxin ngừa bệnh COVID-19 tại nước này kể từ tháng 3/2021, trong đó nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi.
Công ty chuyển phát nhanh DHL và chuỗi cung ứng hậu cần Linfox sẽ chịu trách nhiệm phân phối vắcxin đảm bảo để vắcxin có thể đến được với những người dân ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Chính phủ Australia đã cam kết đảm bảo hơn 117 triệu liều vắcxin khác nhau, phân phối rộng rãi trên cả nước, trong đó mỗi người dân sẽ phải tiêm đủ 2 liều để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Tính đến sáng 24/12 (giờ Việt Nam), Australia ghi nhận 28.258 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 20 trường hợp trong 24 giờ qua), trong số đó có 908 trường hợp tử vong.