Trước đó, vào ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sang tháng 9. Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 này.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng khối G7 hiện nay đã trở nên “lỗi thời” và cần phải được cải tiến bằng cách mở rộng để có sự tham gia của một số nước khác, bao gồm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ. Thông báo của ông Trump được đưa ra sau khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng vì dự luật an ninh mới của Hong Kong. Ý định mời Nga tái gia nhập G7 cũng đã vấp phải nhiều sự phản đối từ các nước trong khối, đặc biệt là Anh và Canada.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Trump muốn mở rộng thêm thành viên cho khối G7 để thành lập liên minh đối trọng với Trung Quốc.
Hàn Quốc và Australia vốn là đồng minh của Mỹ, đặc biệt mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang xảy ra nhiều rạn nứt vì cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19. Ấn Độ lâu nay cũng âm ỉ nhiều bất đồng về biên giới với Trung Quốc và gần đây sự kiện binh lính hai nước xảy ra xô xát tại khu vực biên giới diễn ra thường xuyên.
Tuy nhiên, Nga là quốc gia đang xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với Bắc Kinh, nên việc nước này sẵn lòng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 theo lời kêu gọi của ông Trump là một bất ngờ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump trước đây từng bày tỏ ý định mời Nga quay trở lại G7. Ảnh: Reuters
Trong buổi họp báo vào ngày 1/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh Ottawa phản đối sự trở lại của Nga vào G7 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, nguyên nhân là do “Moscow đã không tôn trọng các quy tắc quốc tế”. “Nga đã bị loại khỏi G7 sau vụ sáp nhập Crimea vài năm trước đây, việc họ tiếp tục không tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế là lý do tại sao họ vẫn nằm ngoài G7, Nga sẽ tiếp tục nằm ngoài G7”, Thủ tướng Canada cho biết.
Nước Anh cũng đã chính thức đưa ra phản hồi đối với ý định của ông Trump khi muốn mời Nga tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7. Nước này nhấn mạnh rằng họ sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn việc Moscow trở lại làm thành viên. “Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc họ được kết nạp làm thành viên của nhóm trừ khi họ ngừng hoạt động gây hấn và gây mất ổn định đe dọa đến sự an toàn của công dân Anh và an ninh tập thể của các đồng minh của chúng tôi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh phát biểu. Mặc dù vậy, người này cũng thừa nhận rằng nước chủ nhà Hội nghị (năm nay là Mỹ) có quyền mời các quốc gia bên ngoài nhóm tham gia vào các cuộc họp.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019 diễn ra tại Biarritz, Pháp. Ảnh: Reuters
Trước đó, Điện Kremlin đã ra thông báo nói rằng Tổng thống Trump đã gọi điện cho Tổng thống Vladimir Putin để bàn về việc dời lịch họp của G7 nhưng chưa nắm thông tin chi tiết về đề xuất của Mỹ mời Nga dự G7. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow không rõ lời mời của lãnh đạo Mỹ là “chính thức” hay không. Phía Nga cũng cho biết sẽ tham gia cuộc họp này nếu được đối xử bình đẳng như những quốc gia khác.
Năm 2014, Nga đã rời khỏi nhóm G8 (G7 hiện nay) vì những bất đồng về các sự kiện diễn ra ở Ukraine và Crimea. Các thành viên của nhóm G7 cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine, mặc dù Moscow bác bỏ các cáo buộc này.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời tham dự sự kiện và tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc về việc đóng vai trò toàn cầu về kinh tế.